Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh khó khăn vì thiếu nguyên liệu

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh được hình từ hơn 300 năm trước đây, chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan từ các nguyên liệu song, mây, tre, giang, nứa... Nghề thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho trên 50% lao động địa phương. Các sản phẩm của làng nghề được sản xuất bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, hiện nay đã có mặt ở trên 50 quốc gia trên thế giới.

Sản phẩm làng nghề mây tre đan rất đa dạng và phong phú thường được chia làm 3 loại:

- Sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ xuất khẩu, chiếm 88,18% tổng giá trị sản phẩm.

- Sản phẩm mỹ nghệ được tiêu dùng bởi những người sành chơi, những người thuộc tầng lớp thượng lưu và những người có thu nhập cao trong nước chiếm 8,20% tổng giá trị sản phẩm.

- Sản phẩm dân dụng được tiêu dùng phổ biến trong nước chiếm 3,62% tổng giá trị sản phẩm.

Tính chất đa dạng của sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan tạo nên sự phong phú về các loại nguyên liệu đầu vào. Những nguyên liệu chính chiếm tỷ trọng lớn về khối lượng vật chất và chi phí sản xuất là: giang, nứa, tre, mây, song chiếm khoảng trên 80% tổng giá trị nguyên liệu đầu vào. Các nguyên liệu khác tuy chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị nguyên liệu đầu vào nhưng không thể thiếu cho một sản phẩm trọn vẹn (sơn, các chất bảo quản). Bên cạnh đó, sản phẩm của làng nghề đôi khi còn sử dụng một số nguyên liệu khác như sắt, thép để sản xuất các loại bàn nghế, các loại đồ sứ chiếm khoảng 15% tổng giá trị nguyên liệu đầu vào.


Phần lớn nguyên liệu phục vụ làng nghề là nguyên liệu được khai thác từ rừng tự nhiên nhưng việc khai thác nguyên liệu bừa bãi, công tác quản lý khai thác còn nhiều bất cập làm cho tỷ lệ tái sinh rừng thấp. Trong khi đó nhu cầu sử dụng nguyên liệu ngày càng tăng mạnh, khả năng đáp ứng nguyên liệu từ rừng tự nhiên ngày càng giảm, việc quy hoạch trồng các vùng nguyên liệu tập trung chưa được chú ý một cách thoả đáng đã làm cho các nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm hơn, giá cả biến động thất thường theo chiều hướng bất lợi gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất.

Trong giai đoạn 2004-2006, giá một số nguyên liệu sản xuất mây tre đan tại làng nghề tăng mạnh: giá giang tăng 2,2 lần, giá mây, song tăng 1,7 lần, giá nứa tăng 1,5 lần giá các loại nguyên liệu phụ tăng từ 1,6 đến 2,8 lần đã làm tăng đáng kể chi phí và giá thành sản phẩm. Nguyên liệu ngày càng khan hiếm, giá nguyên, vật liệu tăng nhanh nhưng giá bán sản phẩm lại tăng chậm hơn (chỉ tăng khoảng 1,3 đến 1,5 lần), thậm chí có nhiều sản phẩm còn giảm giá do các doanh nghiệp cạnh tranh giá bán làm cho lợi ích của người sản xuất và thu nhập lao động bị ảnh hưởng đáng kể từ đó dẫn đến chuyện mất ổn định trong quá trình sản xuất.

Việc quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung hiện nay là giải pháp cơ bản để ổn định số lượng, chất lượng và giá cả của các loại nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất của làng nghề nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm chú ý. Tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài, giá cả bất ổn định đã trở thành khó khăn lớn nhất hiện nay của làng nghề.

Liên hệ với người gửi tin này:
Phạm Văn Hanh - phamvanhanh@agro.gov.vn

Nguyễn Đình Hùng (Ipsard)
Up top