Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến trong sự phát triển ngành điều Việt Nam

Trong những năm vừa qua, sản xuất và tiêu thụ điều thế giới có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Trong sản xuất, đã sớm hình thành các khu vực sản xuất điều thô và chế biến nhân điều lớn. Xu hướng thị trường điều thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh, tốc độ tăng bình quân về sản lượng khoảng 7.2%/năm trong giai đoạn 2005 – 2010 (USAID, 2006; Bộ NN và PTNT, 2006), lượng tiêu thụ điều nhân thế giới năm 2010 là 409.000 tấn, chủ yếu tại các nước như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada và EU. Thị trường điều hữu cơ thế giới tăng trưởng mạnh với khoảng 20%/năm.

Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm tư vấn Chính sách Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT về vai trò của doanh nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị ngành Điều Việt Nam chỉ ra rằng: Trong bối cảnh nhu cầu thị trường điều thế giới gia tăng mạnh mẽ, sản xuất và xuất khẩu điều trong nước đang có được những lợi thế mạnh mẽ:


(i). Về cơ chế chính sách, nhất là đề án quy hoạch và phát triển ngành điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đang được triển khai, các chính sách về thương mại, thuế...đã tạo nên một thị trường xuất khẩu sôi động, mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp chế biến.


(ii). Nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến nhân điều trong nước khá dồi dào do đặc tính thuần, dễ canh tác của cây điều. Suất đầu tư cơ bản cho trồng điều thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác (cao su), yêu cầu ít lao động, thị trường tiêu thụ đang khá ổn định.


(iii). Công nghệ chế biến hạt điều là sự kết hợp giữa thủ công và cơ giới. Hầu hết các thiết bị máy móc sử dụng để bóc tách nhân điều đều được sản xuất trong nước, giá thành rẻ, chỉ bằng 25-30% so với thiết bị nhập ngoại cùng chức năng, công suất. Máy móc dễ thao tác, tỷ lệ thu hồi nhân nguyên đạt 85% - 90%, trong khi tại Brazil, Ấn Độ chỉ đạt khoảng 60%. Trong một số công đoạn chế biến thủ công, đã có một lực lượng lao động phổ thông đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp.


(iv). Các sản phẩm điều của Việt Nam được thị trường thế giới đánh giá cao nhờ có chất lượng tốt, vị thơm ngon đặc trưng, giá cả cạnh tranh...



Những lợi thế nêu trên giúp cho ngành sản xuất điều của Việt Nam đang chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trên thị trường thế giới. Năm 2006, tổng diện tích trồng điều tại Việt Nam có khoảng 240.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tổng diện tích thu hoạch khoảng 360.000 ha (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2007). Việt Nam xuất khẩu điều từ năm 1998, và là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất vào sự phát triển của ngành điều thế giới. Giá trị xuất khẩu điều thô xuất khẩu của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới, và dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Hiện tại, cả nước có khoảng 250 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhân hạt điều, phân bố tại 23 tỉnh và thành phố.


Hiện có 164 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhân điều (Bộ Công thương, 2007), trong đó có 26 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu USD/năm trở lên. Rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có khả năng xuất khẩu từ 2-3 container nhân điều/năm. Có 14 doanh nghiệp đạt được các chứng nhận ISO, GMP, HACCP. Giá cả thị trường điều Việt Nam đã và đang gắn chặt với thị trường thế giới.


Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng cao của các doanh nghiệp chế biến điều của các quốc gia khác đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến điều trong nước phải không ngừng đổi mới về công nghệ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng các liên kết dọc đối với người sản xuất bằng ứng trước tiền hay vật tư nông nghiệp để gắn kết vùng nguyên liệu với doanh nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin về giá cả...

Liên hệ với người viết tin này:
Phạm Văn Hanh - phamvanhanh@agro.gov.vn

Up top