Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng giá?

Từ đầu năm 2007 đến nay, nhiều loại thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục, mức tăng khoảng 10.000 đến 15.000 đồng/bao so với đầu năm. Trong khi đó, theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì hiện nay, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được 70% so với nhu cầu. Số còn lại phải nhập khẩu ((trong đó khoảng 20% nguyên liệu giàu năng lượng, 80% các loại thức ăn bổ sung, 60-70% thức ăn giàu đạm và hơn 90% chất phụ gia là phải nhập khẩu) chiếm 45% tổng giá trị nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Trong những tháng đầu năm, thị trường thức ăn chăn nuôi đã ghi nhận xu hướng tăng giá tương đối mạnh với nhiều đợt tăng khác nhau. Theo tính toán của Cục chăn nuôi, mức tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi trung bình vào khoảng 15-20% so với cùng kỳ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Thậm chí, từ đầu năm tới nay, có doanh nghiệp tăng giá tới 7-8 lần dù mỗi lần chỉ tăng trên dưới 100 đồng/kg. Trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60-70% giá thành sản xuất nên đa phần người chăn nuôi quy mô nhỏ gần như không có lãi, còn các trang trại chăn nuôi lớn thì mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Tuy nhiên, với xu hướng tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, có thể ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.


Hiện tại, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 55-60% so với nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nước ngoài khoảng 20% nguyên liệu giàu năng lượng (ngô, cám mì, cám gạo…), 90% các loại thức ăn bổ sung, 65-70% thức ăn giàu đạm (khô đậu tương, khô dầu lạc…) và hơn 95% chất phụ gia…Trong khi đó, với sự tăng giá của dầu, cước vận chuyển, nguồn cung cấp ngô, khô dầu bị giảm sút do nhiều nước áp dụng chính sách phát triển nguyên liệu sinh học, thêm vào việc siết chặt nhập khẩu các loại bột đạm động vật đã gây tình trạng khan hiếm và tăng giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2006.


Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi. Nếu trong năm 2006, Việt Nam nhập khẩu khoảng 740 triệu USD tiền nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì năm 2007 kim ngạch nhập khẩu dự kiến gần 1 tỷ USD để đảm bảo mục tiêu sản xuất khoảng 7,5 triệu tấn thức ăn công nghiệp có giá trị 1,4-1,5 tỷ USD. Cụ thể về tình hình nhập khẩu một số loại thức ăn gia súc trong tháng 4/2007 tại ba thị trường Ấn độ, Inđônêxia và Malaixia như sau:


Sản phẩm

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Thị trường

Khô dầu đậu tương

9.000

2.394.180

Ấn Độ

Khô dầu hạt cọ

1.973

217.050

Inđônêxia

1.000

118.500

Malaixia

Bột cá

100

78.242

Malaixia

Nguồn: Trung tâm Thông tin thương mại Việt Nam (Vinanet)


Trong đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu cho Việt Nam, chỉ riêng trong tuần đầu tháng 4/07 đã cung cấp 15,8 triệu USD, chiếm 57,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này. Còn tháng 2/07, Ấn Độ cung cấp 40,8 triệu USD, giảm 12,8% so với tháng 1/07 nhưng tăng 124% so với tháng 2/06. Hai tháng đầu năm 2007, thị trường Ấn Độ cung cấp 88,2 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Trị giá nhập khẩu khô dầu đậu tương từ Ấn Độ trong 2 tháng là 75,04 triệu USD, chiếm 85% tổng trị giá thức ăn gia súc và nguyên liệu cung cấp cho Việt Nam. Ngoài ra, thị trường này còn cung cấp cám gạo, khô dầu dừa, khô dầu hạt cải. Dự báo, Ấn Độ sẽ tiếp tục là thị trường đứng đầu về cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu trong năm 2007.


Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, dự tính đến năm 2010 nhu cầu về thức ăn tinh cho ngành chăn nuôi cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn. Và với các chỉ tiêu sản xuất thức ăn chăn nuôi đến năm 2010 thì việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, sự tăng giá của thức ăns chăn nuôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của thị trường thế giới.


Làm thế nào để kiềm chế tăng giá thức ăn chăn nuôi tăng giá trong thời tới?


Ông Hoàng Kim Giao, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết[1]: “Trước mắt, chúng ta chỉ có thể giảm thiểu các chi phí trung gian làm tăng giá thức ăn chăn nuôi như phát triển những nhà máy sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại những khu vực chăn nuôi tập trung, hàng hoá lớn; thúc đẩy mô hình chăn nuôi trang trại để giảm chi phí bao bì, vận chuyển; đơn giản hoá các thủ tục hành chính, kiểm dịch trong nhập khẩu các lô nguyên liệu thức ăn vào Việt Nam… Song về lâu dài, Cục chăn nuôi đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2006-2015, với các giải pháp cụ thể nhằm tạo nguồn thức ăn giàu năng lượng như cám, gạo, ngô với những giống mới đạt năng suất bình quân 5-6 tấn/ha; chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất: hoá dược, khoáng, vi sinh, vi lượng, công nghệ sinh học…tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước nhằm giảm tỷ lệ nhập khẩu từ 90% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2010”.


Trong thời gian tới sẽ thành lập sàn giao dịch nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp trong nước giảm giá thành sản phẩm. Việc cho ra đời một sàn giao dịch nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà cả những nhà nhập khẩu. Hiện tại, do các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đang tự tìm nguồn hàng nên thường bị ép giá của các đối tác nước ngoài. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước, cao hơn 10-15% so với mặt bằng giá chung của khu vực. Do vậy, khi có sàn giao dịch, giá cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ được công khai sát với giá thị trường thế giới.Từ đó, cơ quan quản lý cũng nắm được thông tin, điều tiết thị trường hiệu quả hơn. Thậm chí, những nguyên liệu, thức ăn thành phẩm có khả năng cạnh tranh của Việt Nam cũng có thể được đưa lên sàn giao dịch xuất khẩu. Không chỉ có nguyên liệu mà Việt Nam sẽ xây dựng cả những sàn giao dịch giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi với mục tiêu giảm tối đa chi phí đầu vào cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là việc thiếu cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai, vốn tín dụng để thu hút các nhà đầu tư.


[1] Thời báo kinh tế Việt Nam, số 125, thứ sáu ngày 25/5/2007

Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Up top