Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Hướng đến tầm cao mới: Báo cáo phát triển Việt Nam 2007

Năm 2006 là một cột mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình theo đuổi sự thịnh vượng của Việt Nam. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khẳng định sự tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, việc thông qua Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2006-2010 đã khẳng định tầm nhìn của Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình vào cuối thập niên này. Kỳ vọng đi từ nghèo đói tới thu nhập trung bình trong một khoảng thời gian ngắn nghe có vẻ quá lạc quan. Nhưng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được cho phép lạc quan ngay cả khi biết đó là nhiệm vụ đầy thách thức. Nói tóm lại, hướng đến tầm cao mới quả là đúng cho trường hợp của Việt Nam.

Đó cũng chính là tinh thần của các nhà tài trợ đã cùng tham gia biên soạn Báo cáo phát triển Việt Nam 2007. Thực tế, báo cáo này có thể được coi là sự “diễn giải” kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhằm mục đích quán triệt những thách thức phát triển trong từng lĩnh vực, và đóng góp các ý tưởng nhằm đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam. Phù hợp với tinh thần đã tuyên bố, các nhà tài trợ nhất trí ủng hộ tính tự chủ của Chính phủ trong chương trình cải cách và tìm cách “hài hoà hoá” sự hỗ trợ của mình, nhằm cắt giảm chi phí giao dịch. Theo một cách hiểu nào đó, thì báo cáo này cũng hướng tới một tầm cao trong nỗ lực hài hoà hoá, từ quy trình tới sự phân tích.

 

Để đạt vị thế trung bình không chỉ đơn thuần là vươn tới một vài chỉ tiêu riêng lẻ như thu nhập bình quân đầu người, chỉ tiêu đo lường năng suất…Một quốc gia có mức thu nhập trung bình sẽ có một nền kinh tế phức tạp hơn, với nhiều ngành khác biệt hơn giữa các vùng và giữa các ngành. Điều này đòi hỏi những đối sách khác nhau cho từng trường hợp nhằm cố gắng điều hoà yêu cầu đa dạng với mục tiêu phát triển hoà nhập. Đặc trưng khác của một quốc gia có mức thu nhập trung bình là tầm quan trọng ngày càng tăng của các mạng lưới, từ cơ sở hạ tầng cho giao thông tới các chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Điều này đòi hỏi chú trọng nhiều hơn vào các vấn đề liên ngành. Một quốc gia có thu nhập trung bình cũng có nhiều thành phần hơn. Điều này dẫn đến sự tách biệt ngàng càng lớn giữa quản lý và sở hữu, hay giữa hoạch định chính sách và thực hiện chức năng dịch vụ, do đó phải phân cấp nhiều hơn và tính giải trình cao hơn. Vì vậy, việc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình không chỉ đơn thuần là chuyển đổi kinh tế, mà nó đồng thời gắn với những thay đổi dần dần trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội.

 

Báo cáo phát triển Việt Nam 2007 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha (AECI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), Đại sứ quán Bỉ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA), Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID), Uỷ Ban Châu Âu (EC), Đại sứ quán Pháp, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức, Đại sứ quán Ailen, Nhật Bản, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ, Liên Hợp Quốc (UN), Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Ngân hàng Thế giới cùng soạn thảo. Quá trình soạn thảo báo cáo đã thu hút ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu và chuyên môn Việt Nam tham gia với tư cách cá nhân. Đóng góp của họ được điều phối thông qua Ban đánh giá, trong đó có Tiến sĩ Trần Tiến Cường (Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; Tiến sĩ Lê Đăng Doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn)…cùng nhiều chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ, các Cục, Vụ, Viện khác tham gia vào quá trình soạn thảo báo cáo.

 

Bản báo cáo này, với những “diễn giải” được nêu ra từ Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội thể hiện một nỗ lực nhằm xác định những chính sách quan trọng nhất cần thực hiện trong những năm tới nhằm gắn kết sự hỗ trợ của các nhà tài trợ vào đó. Tuy nhiên, trong báo cáo này cũng thừa nhận rằng việc triển khai trên tất cả các lĩnh vực là một thách thức lớn, đòi hỏi công tác điều phối mạnh mẽ hơn, sao cho kết quả công việc cuối cùng đạt được phải lớn hơn, chứ không phải nhỏ hơn tổng của tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Trên tinh thần hài hoà hoá, báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của một cơ chế điều phối cho việc thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội, xuyên suốt cả bốn trụ cột của chương trình cải cách của Việt Nam và tận dụng triệt để sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đối với chương trình này.

 

Tham khảo báo cáo tại: http://siteresources.worldbank.org/VIETNAMINVIETNAMESEEXTN/Resources/aiminghigh_vietnamese.pdf?resourceurlname=aiminghigh_vietnamese.pdf

 
Liên hệ với người đăng tin này: Nguyễn Trang Nhung – nguyentrangnhung@agro.gov.vn

Trích lược: Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Up top