Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Phát triển kinh tế xanh ở Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

KIM NGỌC PGS. TS. Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Mấy thập niên qua, kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc và hiện là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Trung Quốc phát triển thiếu bền vững: thành tựu đạt được không xứng với những vấn đề nảy sinh, như bất bình đẳng xã hội gia tăng, ô nhiễm môi trường trầm trọng,…Chính vì thế, Chính phủ Trung Quốc đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển mới: phát triển kinh tế xanh nhằm hướng tới duy trì nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững, đề cao chất lượng tăng trưởng. Chiến lược phát triển mới của Trung Quốc chuyển từ phương thức phát triển kinh tế tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức phát triển kinh tế tiết kiệm tài nguyên. Bài viết này tập trung phân tích các chính sách phát triển kinh tế xanh ở Trung Quốc. Trên cơ sở đó đưa ra một số gợi ý chính sách phát triển kinh tế xanh cho Việt Nam. I. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH CỦA TRUNG QUỐC 1. Phát triển năng lượng tái tạo Chính sách phát triển năng lượng của Trung Quốc hướng tới nguồn năng lượng có hàm lượng khoa học và kỹ thuật cao. Các nội dung cơ bản trong chính sách năng lượng của Trung Quốc, bao gồm: ưu tiên tiết kiệm tài nguyên, dựa vào các nguồn tài nguyên trong nước; phát triển đa dạng các nguồn năng lượng; thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp năng lượng, đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; và tăng cường hợp tác quốc tế vì lợi ích chung. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17, tháng 10/2007 đã đề ra các mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình phát triển thông qua tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, giảm tiêu thụ các nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường. Các nguồn cung cấp năng lượng về cơ bản sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đạt được những tiến bộ to lớn trong việc bảo tồn năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tối ưu hóa cơ cấu năng lượng, đạt được những thành tựu trong phát triển công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao khả năng quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với vấn đề năng lượng, ban hành các quy định đối với thị trường năng lượng. Chính phủ Trung Quốc cam kết, năm 2012, năng lượng tái tạo chiếm 16% tổng năng lượng tiêu thụ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015), Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất thêm 40 tỉ oát điện hạt nhân vào năm 2015, tăng đáng kể đầu tư vào thủy điện, sản xuất thêm 70 tỉ oát điện từ năng lượng gió và 5 tỉ oát điện từ nguồn năng lượng mặt trời. Luật Năng lượng tái tạo của Trung Quốc được coi là bộ luật định hướng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Bộ luật đã cung cấp một loạt các ưu đãi tài chính: quỹ quốc gia để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cho vay, ưu đãi về thuế cho các dự án năng lượng tái tạo; yêu cầu các nhà khai thác lưới điện mua các nguyên liệu từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo đã đăng ký. Sự kết hợp giữa đầu tư và các chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện cho những bước tiến lớn trong việc phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Đồng thời, để trực tiếp khuyến khích sản xuất tua-bin gió ở các địa phương, Trung Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích liên doanh và chuyển giao công nghệ trong công nghệ tua-bin gió lớn và bắt buộc sử dụng các sản phẩm tua-bin gió của địa phương trong các công trình. Năm 1996, Trung Quốc đã thành lập Quỹ năng lượng tái tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã trợ cấp kinh phí nghiên cứu và triển khai cho việc sản xuất năng lượng gió. Năm 2006, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách (NDRC) của Trung Quốc đã ban hành các biện pháp tạm thời về quản lý thuế và phân bố phí năng lượng tái tạo. Năm 2008, các nhà sản xuất tua-bin gió địa phương như Sinovel Wind, Goldwind Science and Technology và Dongfang Electric đã chiếm hơn một nửa thị trường. Cùng với Luật Năng lượng tái tạo, các quy định khuyến khích giảm giá năng lượng gió thực hiện qua mô hình giá cả cạnh tranh đấu thầu cũng được sử dụng cho thị trường điện gió ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh lại các bảng giá dầu mỏ và than nhằm khuyến khích việc giảm tiêu thụ các loại năng lượng này; đồng thời xây dựng một loạt các biện pháp khác nhau về thuế quan và tài chính. Để nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích trong việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, nhiều chiến dịch truyền thông trên truyền hình cả ở cấp trung ương lẫn địa phương đã được thực hiện. Trung Quốc cũng đã tổ chức nhiều hội thảo và chiến dịch truyền thông, đặc biệt phải kể tới “Tuần lễ tiết kiệm năng lượng” hay những cuộc triển lãm về công nghệ giảm cường độ năng lượng tại nhiều tỉnh thành khác nhau. NDRC đã huy động hàng chục tổ chức và hàng trăm chuyên gia để chuẩn bị cho các dự án liên quan tới vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời tiến hành các dự án này trong các điều kiện tốt nhất có thể. Một trong những dự án đó tập trung vào các nồi hơi công nghiệp, thiết bị này thường xuyên là một trong những nguồn ô nhiễm chính đối với các thành phố và cần phải được đổi mới hoàn toàn. Tại các thành phố có nhu cầu lớn về nhiệt, Trung Quốc đã phát triển những nhà máy đồng phát nhiệt điện và đồng phát nhiệt điện ba thành phẩm. 2. Phát triển các ngành công nghệ tiên tiến Trung Quốc đang thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi từ mô hình chi phí sản xuất cao, gây ô nhiễm, không bền vững sang mô hình sản xuất có năng suất cao, chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường, có trình độ tiên tiến và có tính bền vững cao. Kể từ khi thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao đã thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ cao phát triển. Năm 1986, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu và triển khai công nghệ cao quan trọng với tên gọi Chương trình 863. Định hướng Quốc gia về Chương trình phát triển Khoa học và Công nghệ (2006-2020) được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành ngày 9/2/2006 xác định rõ: Tạo môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ cao; Tăng cường đáng kể đầu tư vào khoa học và công nghệ; Hỗ trợ nhiều hơn cho đổi mới doanh nghiệp. Phát triển các công nghệ mũi nhọn (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới và công nghệ năng lượng mới); Tăng cường nghiên cứu các công nghệ then chốt (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; y dược…). Đây là Kế hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ dài hạn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Trung Quốc xác định đến năm 2020 sẽ đạt được những đột phá về khoa học và công nghệ có tầm ảnh hướng lớn trên thế giới và đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các quốc gia đổi mới nhất trên thế giới. Thông qua việc cho phép thành lập các khu phát triển công nghệ cao, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các quy định và luật lệ liên quan như quy định về phạm vi các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao được phát triển, bao gồm: vi điện tử, thông tin điện tử, không gian và vũ trụ, khoa học vật liệu, năng lượng mới và năng lượng hiệu quả cao, sinh thái và bảo vệ môi trường, khoa học về trái đất và địa lý biển, các yếu tố cơ bản và phóng xạ, khoa học về y học và vi sinh, và các ngành công nghệ thay thế khác cho các ngành công nghiệp truyền thống đang được sử dụng hiện nay. Ngay từ đầu năm 2010, tại các cuộc họp của Quốc hội và Chính phủ, Trung Quốc đã xác định cần chuyển đổi cơ cấu công nghiệp với trọng tâm là các doanh nghiệp quy mô lớn với công nghệ cao. Theo đó, muốn chuyển đổi kinh tế thành công thì nền công nghiệp của Trung Quốc cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tính cạnh tranh quốc tế, thay thế trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu bằng máy móc hiện đại. Bảy ngành công nghiệp chiến lược gồm: Năng lượng thay thế; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin thế hệ mới; sản xuất thiết bị cao cấp; các vật liệu tiên tiến; xe sử dụng năng lượng thay thế; các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Bảy ngành công nghiệp này được quy hoạch theo một chiến lược tổng thể gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 tới năm 2015, giai đoạn hai tới năm 2020, giai đoạn ba tới năm 2030. Hiện tại, ước tính giá trị mà 7 ngành công nghiệp này mang lại cho Trung Quốc là khoảng 2% GDP. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1.500 tỷ USD cho phát triển các ngành này. Dự kiến, sau khi được đầu tư sẽ tăng lên 8% vào năm 2015, và 15% vào năm 2020. Đến năm 2030, trình độ phát triển cũng như năng lực của bảy ngành công nghiệp chiến lược này sẽ đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm với các nước có ngành công nghiệp phát triển nhất trên thế giới. Cũng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Trung Quốc sẽ đầu tư 468 tỷ USD vào các khu vực xanh, tăng hơn 2 lần so với mức 211 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm (2006-2010), tập trung vào ba lĩnh vực: tái chế và tái sử dụng rác thải, công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Ngành công nghiệp bảo vệ môi trường của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình 15-20%/năm và sản lượng công nghiệp dự kiến sẽ đạt 743 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), so với 166 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm (2006-2010). Hệ số ảnh hưởng của khu vực mới này ước tính cao hơn 8-10 lần so với các khu vực công nghiệp khác. 3. Chính sách và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung Quốc được ban hành vào tháng 6/2007 đã đặt ra những mục tiêu: nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy những nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và tăng cường cơ chế ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính: Phấn đấu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế; tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các nguồn năng lượng tự nhiên theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh quá trình nghiên cứu, triển khai và ứng dụng những công nghệ mới trong bảo tồn năng lượng; phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong vấn đề bảo tồn năng lượng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn năng lượng, thúc đẩy xây dựng một xã hội bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp bằng việc tăng cường các chính sách quản lý liên quan đến các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim, công nghiệp hóa chất; phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tăng cường kiểm soát lượng phát thải nito oxit ra môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu: Tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ chế cảnh bảo sớm và hệ thống giám sát thiên tai thông qua việc phối hợp tham gia của nhiều bộ phận có liên quan, nâng cao năng lực theo dõi, cảnh báo đối với với những thảm họa tự nhiên và giảm tối đa những thiệt hại gây ra từ thảm họa tự nhiên; quy hoạch đất nông nghiệp, điều chỉnh hệ thống trồng trọt, mở rộng việc canh tác những giống cây trồng có khả năng thích nghi cao trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phát triển công nghệ sinh học phục vụ trong nông nghiệp. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến kiến thức về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và những ảnh hưởng của nó tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Để phổ biến kiến thức cho cộng đồng về biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã cho xuất bản một số lượng lớn các ấn phẩm, tài liệu, thiết lập các kênh thông tin, các cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đăng cai tổ chức “Diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu”, cũng như tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế quy mô lớn với các chủ đề về “Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái”, “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”… Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn năng lượng và giảm phát thải, thực hiện các hoạt động có liên quan trên phạm vi cả nước với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, các doanh nghiệp, trường học, các cơ quan chính phủ, các nhà khoa học và các đơn vị truyền thông đại chúng. Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), Trung Quốc đã thực hiện tiết kiệm năng lượng với việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng các-bon thấp, xanh, khởi động thí điểm tỉnh và thành phố các-bon thấp, cố gắng xây dựng hệ thống ngành nghề và mô hình tiêu dùng với đặc điểm lượng thải các-bon thấp, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc đã đưa ra những mục tiêu chính về bảo vệ tài nguyên và môi trường: cắt giảm 16% cường độ tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, cắt giảm 17% mức thải các-bon trên mỗi đơn vị GDP và tăng mức độ sử dụng các nguồn năng lượng nhiên liệu tái tạo từ mức 8% hiện nay lên 11,4% mức tiêu thụ năng lượng chủ yếu, giảm 8% lượng khí suphur, giảm 10% lượng khí amoniac và các khí nito oxit được phát thải chủ yếu ở các khu vực sản xuất than đá; tập trung cắt giảm ô nhiễm kim loại nặng trong sản xuất công nghiệp; giảm 30% mức độ tiêu thụ nước trên một đơn vị giá trị gia tăng sản lượng công nghiệp vào năm 2015; tăng mức độ che phủ rừng lên 21,66%. Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Trung Quốc đã tăng đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2011- 2015 hơn 3 nghìn tỷ NDT. Phần lớn khoản tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư kiểm soát ô nhiễm, giảm đáng kể việc phát thải các chất gây ô nhiễm chủ yếu. Xây dựng và tổ chức cơ chế để ứng phó với biến đổi khí hậu: Từ năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều tổ chức đặc biệt để ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 1998, Ủy ban Điều phối quốc gia về biến đổi khí hậu được thành lập. Năm 2007, Trung Quốc đã thành lập Tổ lãnh đạo cấp quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thống nhất triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu trên toàn quốc, do Thủ tướng Trung Quốc làm Tổ trưởng. Năm 2008, Ủy ban Quốc gia về Phát triển và Cải cách nhà nước thành lập “Vụ ứng phó biến đổi khí hậu”, với trách nhiệm tiến hành đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu và thực hiện các công tác liên quan ứng phó biến đổi khí hậu trong nước. Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu quốc gia, trực thuộc NDRC được thành lập. Trung tâm này có chức năng triển khai nghiên cứu các biện pháp, chính sách liên quan ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế và dịch vụ tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu. Hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu cũng được thành lập để hỗ trợ Chính phủ trong quá trình ra quyết định, thúc đẩy hợp tác quốc tế của Trung Quốc với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống quản lý, cơ chế điều phối phù hợp với đặc điểm và điều kiện của từng địa phương để tăng cường khả năng giám sát và ban hành cảnh báo sớm về các hiện tượng thời tiết cực đoan. Về hợp tác quốc tế: Dựa trên nguyên tắc “chia sẻ lợi ích chung, thực tế và hiệu quả”, Trung Quốc đã tham gia và đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn khẳng định vị trí của mình trong việc thúc đẩy hành động toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các diễn đàn đa phương và song phương, bao gồm các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G8, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã tích cực tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Năm 2009, tại Hội nghị Copenhaghen, Trung Quốc đã nêu ra mục tiêu lượng thải khí CO2 trên một đơn vị GDP của năm 2020 sẽ giảm 40% đến 45% so với năm 2005. Ngày 01/12/2010, tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc Chính phủ Trung Quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị bên lề với chủ đề "Ứng phó biến đổi khí hậu-Trung Quốc đang hành động", giới thiệu những chính sách, biện pháp và hành động về mặt ứng phó biến đổi khí hậu của Trung Quốc trong năm 2010 cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc về mặt ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức gay cấn mà nhân loại phải đối mặt hiện nay, cần cộng đồng quốc tế cùng cố gắng và hợp tác ứng phó. Là một nước đang phát triển có tinh thần trách nhiệm, Trung Quốc luôn rất coi trọng công tác ứng phó biến đổi khí hậu, coi đó là một chiến lược chính phát triển kinh tế - xã hội của mình. 4. Thành lập đặc khu kinh tế “xanh” Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đặc khu kinh tế theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các đặc khu kinh tế này đều gây ô nhiễm môi trường, nên hiện nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực hướng đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, thông qua các đặc khu kinh tế “xanh”. Trung Quốc đã chọn ra 2 nhóm thành phố ở miền Trung làm “đầu tàu” áp dụng các chính sách phát triển bền vững và thân thiện môi trường. NDRC đã kêu gọi có những bước đột phá mạnh bạo và sáng tạo trong chiến dịch bảo tồn nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo đó, các thành phố liên quan sẽ phải đi tiên phong trong việc áp dụng chính sách mới, khác hẳn các phương thức truyền thống về công nghiệp hóa và đô thị hóa. Hai nhóm thành phố thí điểm là nhóm Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và nhóm Chu Châu thuộc tỉnh Hồ Nam. Những thành phố này được chọn vì phần lớn đều có nền công nghiệp lạc hậu, đã khai thác đến kiệt quệ các tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Các thành phố này bị tụt hậu cũng vì kiểu phát triển bất chấp hậu quả như thế. Sự lựa chọn trên phù hợp với chủ trương của Chính phủ Trung Quốc. Đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các thành phố miền Trung. Bởi khu vực này vẫn phát triển chậm hơn nhiều so với các tỉnh phía Nam và vùng duyên hải, nơi tăng trưởng kinh tế đang bùng nổ. II. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH Ở VIỆT NAM Ở Việt Nam, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã được nhận thức rất sớm và thể hiện trong nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng. Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 và Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976, Đảng ta đã đặt mục tiêu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Đại hội Đảng lần thứ VII thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 1991 – 2000, nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường”. Đại hội Đảng lần thứ VIII nêu bài học “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ IX khẳng định “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đại hội Đảng lần thứ X nêu bài học về phát triển nhanh và bền vững, trong đó ngoài các nội dung phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, còn bổ sung yêu cầu phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ và xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là “Phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người”. Như vậy, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành tiến trình phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Nhà nước ta cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững. Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu rõ “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau đó là Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI) đã xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Con đường phát triển kinh tế bền vững mà cộng đồng quốc tế đang thừa nhận hiện nay là kinh tế xanh. Kinh tế xanh là nội dung quan trọng hướng tới trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Đại hội lần thứ XI thông qua đã chỉ rõ đến năm 2020, các cơ sở sản xuất kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Đặc biệt, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế chính sách thuận lợi để kinh tế xanh Việt Nam phát triển đúng hướng. Việt Nam đã ban hành và thực hiện khung chính sách theo hướng “Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu”, như tiếp tục thực hiện định hướng phát triển bền vững; sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ban hành Chính sách Hỗ trợ phát triển các dự án cải thiện ô nhiễm, bảo vệ môi trường; Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường tới năm 2015, tầm nhìn 2025... Kinh tế xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh học. Đây được xem là một mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu. Chuyển đổi mô hình kinh tế xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho Việt Nam. Mặt khác, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ môi trường, đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn, như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng sinh học, tái sinh rừng tự nhiên... Lựa chọn nền kinh tế xanh là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam. Việt Nam đã và đang tiếp cận kinh tế xanh bằng nhiều chương trình cụ thể. Điều này khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế trong phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam, để hướng đến một nền kinh tế xanh,Việt Nam cần thực hiện những chính sách sau: + Xóa bỏ các rào cản chính sách, cơ chế bao cấp có hại cho môi trường, xây dựng môi trường pháp lý thúc đẩy hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường. Hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế xanh mũi nhọn thông qua trực tiếp đầu tư để phát triển “năng lực cung” hoặc thực hiện kích cầu cho hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Theo Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), đầu tư công cho phát triển kinh tế xanh cần khoảng 2% GDP toàn cầu (khoảng 1.300 tỷ USD). Hiện nay, tổng mức đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn rất thiếu hụt. Việt Nam cần tìm cách huy động các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phục vụ cho phát triển kinh tế xanh. + Tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội, từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp. + Cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; Sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; Không gây ô nhiễm môi trường; Phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái. + Đầu tư nhiều hơn cho hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính... Cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường. + Xây dựng chương trình cấp nhãn môi trường, nhằm: Nâng cao nhận thức, đồng thời cung cấp các thông tin tin cậy và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm ít tác động hơn đối với môi trường, tạo ra sự khuyến khích thị trường đối với các nhà sản xuất nhằm cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm các tác động có hại tới môi trường do sản xuất, sử dụng, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm gây ra; nâng cao chất lượng môi trường và khuyến khích quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên.. + Đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy định tiêu chuẩn quốc tế. + Tích cực hợp tác quốc tế nhằm học hỏi những kinh nghiệm hay trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh. Xu hướng cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến phát triển kinh tế xanh là cơ hội cho Việt Nam hợp tác quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chủ động tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để đưa ra những định hướng, chính sách phù hợp là những việc cần thiết cho Việt Nam. ________________ Tài liệu tham khảo 1. PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, 2011. Chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường. 2. Nguyễn Thanh Đức, 2011. Tác động của xu hướng kinh tế thế giới thập kỷ 2011 - 2020 tới Việt Nam và gợi ý chính sách, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, số 8. 3. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, ThS. Vũ Huy Thục, 2011. Biến đổi khí hậu và quyền con người: Một số nhìn nhận ban đầu”, Tạp chí Chính trị - An ninh thế giới, số 4 (180). 4. Phạm Văn Khánh, 2010. Phát triển kinh tế xanh, Báo Nhân dân ngày 10/03. 5. TS. Nguyễn Hoàng Oanh - Trương Thị Nam Thắng, 2009. Báo cáo nghiên cứu chính sách của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Xu thế phát triển kinh tế xanh trong và sau khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. 6. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Nguyễn Xuân Trung, 2012. Kinh tế xanh trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 3. 7. Nguyễn Thùy Trang, 2012. Chính sách phát triển kinh tế xanh ở Trung Quốc: Thực trạng và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, Chuyên đề Niên luận, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. 8. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (tài liệu dịch của UNEP), 2011. Báo cáo tổng hợp phục vụ các nhà hoạch định chính sách, Hướng tới nền kinh tế xanh, lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội. 9. Christos N.Pitelis, Jack Keenan, Vicky Pryce, 2011. Green Business, Green Values, and Sustainability, Routhledge. 10. Kennet, Miriam, 2007. Green Economics: An Introduction to Progressive Economics, Harvard College Economics Review, Volume II, Issue 1. December 2007. 11. http://chanelsocioeconomic.multiply.com 12. http://www.unep.org Nguồn: http://vssr.org.vn
Up top