Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Nhật Bản: Thị trường rộng mở nhưng nhu cầu của thị trường là gì?

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tiềm năng lớn đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam. Thế nhưng, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản cũng như thị phần của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Thị trường Nhật cần gì? Người Nhật và các doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu gì? Đây chính là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt nếu muốn thành công và chiếm lĩnh được thị trường “khó tính” này.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển trong những năm gần đây. Nhật Bản luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là quốc gia xuất siêu sang Nhật Bản. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của hai nước đạt 4,5 tỷ USD. Đến năm 2006, kim ngạch buôn bán hai chiều của hai nước đã tăng lên đến 9,9 tỷ USD, trong đó tỷ trọng xuất khẩu luôn nghiêng về phía Việt Nam. Dự kiến kim ngạch cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ đạt 17 tỷ USD vào năm 2010. Nhật Bản hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là hàng xuất khẩu của Việt Nam tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản nhưng thị phần còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia: 2,7%; Thái Lan: 2,9%; Indonesia: 4,2% và Trung Quốc hơn 20%).

Thị trường Nhật Bản từ trước đến nay vẫn là một thị trường hứa hẹn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tổng mức tiêu dùng trong nước của Nhật Bản tăng nhanh, đạt khoảng 55% trong tổng mức tăng trưởng GDP. Đây là một chỉ số tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này. Một điểm đáng chú ý nữa là, mức độ lão hoá dân số của Nhật Bản (số người dân trên 65 tuổi chiếm khoảng 20%). Mức độ lão hoá này của Nhật Bản đang được coi là cao nhất thế giới hiện nay đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trong khi nhu cầu về thực phẩm vẫn liên tục tăng. Tính riêng trong năm 2006, Nhật Bản đã tiêu thụ hết 55 tỷ USD cho chi tiêu thực phẩm. Chính đặc điểm này không chỉ chi phối nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản mà còn cho thấy tiềm năng xuất khẩu lao động và các mặt hàng thực phẩm vào thị trường này.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật là: thủy sản, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, giầy dép, hàng công nghiệp chế tạo, khoáng sản. Trong đó, hàng dệt may được dự báo là sẽ có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do nhiều nhà nhập khẩu của Nhật sẽ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam do Việt Nam đã là thành viên của WTO và đã được xoá bỏ hạn ngạch. Hơn nữa theo nhận định của một số chuyên gia, Trung Quốc sẽ không mặn mà với thị trường Nhật vì đây là thị trường khó tính và đơn hàng không lớn như Mỹ, nên cơ hội dành cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nhật là rất lớn. Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ngoại thất của Nhật Bản là hơn 2,2 tỷ USD/năm, do đó đây cũng sẽ là mặt hàng có triển vọng rất lớn để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật trong các năm tới.
Nhóm hàng thuỷ sản đang có kim ngạch xuất khẩu lớn, hàng năm kim ngạch xuất khẩu của riêng mặt hàng này đạt khoảng 550 triệu USD, chiếm hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang các thị trường khác. Đáng kể là đã có một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được phần mềm phục vụ cho ngành nông nghiệp nước này. Ngoài ra, ngành công nghiệp tàu thuỷ cũng đang có được nhiều hợp đồng lớn với đối tác Nhật Bản. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, Nhật Bản sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tương lai gần. Như vậy, thị trường Nhật rộng mở nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa mở rộng được thị phần xuất khẩu là do các doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu và yêu cầu của người Nhật và thị trường Nhật Bản.

Chưa nắm được đặc trưng, văn hoá thị trường

Một trong các lý do dẫn đến thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật còn thấp là việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được đặc trưng, văn hoá của thị trường và thị hiếu của người Nhật Bản. Người Nhật hoạt động trên cơ sở tin tưởng, lấy chữ tín làm đầu. Thị trường Nhật Bản luôn luôn có sự cải tiến, đổi mới về kỹ thuật. Nhật Bản đang hướng tới các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á, mở rộng môi trường kinh doanh theo hướng “Trung Quốc +1”, trong đó có thể là Ấn Độ hoặc Việt Nam.
Ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết: “Người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng đa dạng của sản phẩm. Do mức sống cao nên người tiêu dùng Nhật Bản không đòi hỏi tất cả các sản phẩm nhất thiết phải có độ bền lâu năm. Các sản phẩm có vòng đời ngắn nhưng chất lượng phải tốt, kiểu dáng đẹp, hoàn hảo, tiện dụng…sẽ rất phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng Nhật hiện nay”. Hơn nữa, Nhật Bản là nước có dân số già. Giai đoạn 2007 – 2010, Nhật Bản sẽ có trào lưu về hưu. Thị trường Nhật Bản sẽ hướng tới phục vụ nhu cầu và sự hưởng thụ của những người già. Đây có thể sẽ là cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết nắm bắt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi làm việc với các đối tác Nhật là phong cách làm việc, giao dịch của các doanh nghiệp Nhật Bản rất nghiêm chỉnh, lễ nghi, tôn trọng nhau. Trong khi làm việc các doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp đối tác nghiêm khắc và nghiêm chỉnh tới từng cử chỉ, hành động, cách ăn mặc, lễ nghi chào hỏi…Trong văn hoá kinh doanh giao tiếp với người Nhật, có 4 vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý coi trọng, đó là cách chào hỏi nghiêm túc, đúng giờ, làm việc ngoài giờ và phải có danh thiếp. Thiếu 1 trong 4 yếu tố trên mà đặc biệt là thiếu danh thiếp vì lý do quên không mang hoặc không có, coi như việc hợp tác làm ăn sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, doanh nghiệp Nhật luôn tìm hiểu kỹ trước khi hợp tác làm ăn, nên khi gặp gỡ, không nên nóng vội, nếu không sẽ khó có thể hợp tác thành công.
!!

Vệ sinh an toàn thực phẩm: vấn đề quan trọng và mấu chốt
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng nhất trong xuất khẩu các mặt hàng nông thuỷ sản, đặc biệt là vào thị trường Nhật. Từ năm 2006, Nhật Bản đã thực hiện Luật vệ sinh an toàn thực phẩm sửa đổi với tất cả các lô hàng thực phẩm nhập khẩu, thắt chặt quy định và bổ sung một số loại dư lượng hoá chất không được phép có trong thực phẩm và tiếp tục nâng mức hạn chế dư lượng hoá chất cho phép. Mặt hàng tôm và mực xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ kiểm tra một phần đã bị kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm 100% với toàn bộ lô hàng xuất vào Nhật Bản do có dư lượng chất cloramphenicol không được phép có trong thuỷ sản. Việc kiểm tra 100% các lô hàng tôm và mực xuất khẩu từ Việt Nam đã và đang tác động đến uy tín ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh của hàng hoá. Bởi trong số 200 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nhật Bản đã có 30 doanh nghiệp bị vi phạm quy định của Nhật.
Hiện nay, Nhật Bản cũng như các nước ngày càng thắt chặt các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hàng hoá nhập khẩu. Các mặt hàng khi đến thị trường Nhật Bản không thể thiếu bởi người Nhật đưa ra 5 yếu tố (5S) gần như đã thành quy chuẩn gồm: sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và để đồ đạc ngăn nắp. Người Nhật nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản coi trọng đảm bảo yếu tố chất lượng, giá cả và sự chuyển giao hàng đúng thời hạn. Theo đó, các sản phẩm khi sang thị trường Nhật phải đảm bảo chất lượng đồng loạt tương đương nhau. Cùng với đó, giá cả hàng hoá cũng là vấn đề sống còn bởi người Nhật luôn luôn mong muốn các mặt hàng có xu hướng càng ngày càng giảm giá.
Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã làm việc với Bộ Nông Lâm ngư nghiệp và Bộ Y tế, Phúc Lợi Xã hội Nhật Bản đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, đồng ý nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Nhật Bản (từ trước đến nay, Việt Nam không được phép xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sang Nhật Bản vì bị xếp trong danh sách các nước có dịch bệnh lở mồm long móng). Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã đưa ra Dự thảo Quy định nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt của Nhật Bản dành cho Việt Nam gồm 29 điều kiện. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, đặc biệt là khâu chế biến và xử lý nhiệt, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục vận động Bộ Nông lâm Ngư nghiệp và Bộ Y tế, Phúc lợi Xã hội Nhật Bản sẽ tiếp tục cử chuyên gia sang Việt Nam kiếm tra thực tế và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi ký kết thoả thuận với Việt Nam đồng ý nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt của Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá là có triển vọng xâm nhập thị trường Nhật Bản với các mặt hàng trên là Công ty Đức Việt và Công ty Vissan. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, hàng năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ thịt nhập khoảng 200 triệu USD/năm. Hiện nay, do chi phí nguyên liệu và lao động ngày càng tăng tại Nhật Bản, xu hướng nhập khẩu ngày càng gia tăng. Cụ thể là thị phần nhập khẩu liên tục tăng từ 3,2% vào năm 2002 lên đến khoảng 10% vào năm 2006.
Đối với mặt hàng gạo, từ đầu năm 2007 đến nay, Việt Nam đã 4 lần trúng thầu với tổng số 66.050 tấn gạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng trúng thầu lần 2 và 3 (tổng số 31.050 tấn), lô hàng đầu tiên (700 tấn) đã bị vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật với dư lượng Acetamiprid vượt quá mức cho phép (0,01 ppm), dẫn đến việc phía Nhật quyết định tăng cường kiểm tra 30% gạo có xuất xứ từ Việt Nam đối với chất Acetamiprid.
!!


Hệ thống tiêu chuẩn cho hàng công và nông nghiệp
Hiện nay, để vào thị trường Nhật, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm có 2 hệ thống tiêu chuẩn: tiêu chuẩn cơ bản trong công nghiệp (JIS) và tiêu chuẩn nông nghiệp (JAS) của Nhật Bản.
Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản JIS là một trong những tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi ở Nhật. Theo quy định của điều 26 trong Luật Tiêu chuẩn hoá công nghiệp, tất cả các cơ quan của Chính phủ phải ưu tiên đối với các sản phẩm được đóng dấu chất lượng JIS khi mua hàng hoá để phục vụ cho hoạt động của cơ quan này. Hệ thống tiêu chuẩn JIS áp dụng đối với tất cả các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng các tiêu chuẩn chuyên ngành như dược phẩm, phân hoá học, sợi tơ tằm, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác được quy định trong Luật Về tiêu chuẩn hoá và dán nhãn các nông lâm sản (viết tắt là JAS). Do đó khi kiểm tra các sản phẩm này chỉ cần kiểm tra dấu chất lượng tiêu chuẩn JIS là đủ để xác nhận chất lượng của chúng. Giấy phép đóng dấu chứng nhận tiêu chuẩn JIS trên hàng hoá do Bộ trưởng bộ công nghiệp và thương mại cấp cho nhà sản xuất. Thực tế hiện nay cho thấy, hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam xuất sang Nhật Bản (trừ các công ty 100% vốn Nhật) đang gặp khó khăn về tiêu chuẩn kỹ thuật vì thiếu các tiêu chuẩn JIS có nhiều điểm riêng khác biệt so với các tiêu chuẩn quốc tế, trong khi hầu hết các công ty Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Luật Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản – JAS quy định các tiêu chuẩn về chất lượng, đua ra các quy tắc về việc ghi nhãn chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn JAS. Ngày nay hệ thống JAS đã trở thành cơ sở cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn các thực phẩm chế biến.Danh sách các sản phẩm được điều chỉnh bởi luật JAS gồm: Đồ uống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, mỡ, các nông lâm sản chế biến. Tuy hiện nay không phải tất cả các sản phẩm đều được liệt kê trong danh sách các sản phẩm do luật JAS điều chỉnh nhưng các tiêu chuẩn JAS bao quát cả các sản phẩm được sản suất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu. Đa số các sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, nước hoa quả, các sản phẩm chế biến từ cà chua, dấm bỗng, thịt lợn hun khói được sản xuất tại Nhật đều mang dấu chất lượng JAS.
Việc sử dụng dấu chứng nhận phẩm chất JAS trên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện và các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ không bị bắt buộc phai sán xuất hay kinh doanh các sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn JAS.
Một sản bị buộc phải tuân theo các quy định về dán nhãn chất lượng JAS khi đã có đầy đủ các điều kiện sau:
- Sản phẩm phải là một nông sản hoặc là nông sản đã có hoặc trong tương lai gần sẽ có một tiêu chuẩn JAS được quy định cho nó.
- Sản phẩm đó phải là sản phẩm có chất lượng khó xác định.
- Là sản phẩm mà người tiêu dùng cần biết được chất lượng của nó trước khi quyết định mua.
Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp đặt ra các tiêu chuẩn về việc ghi nhãn chất lượng và buộc tất cả các nhà sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn đó, các quy định này được áp dụng đối với cả các sản phẩm nhập khẩu.

Nguyễn Trang Nhung - agroinfo
Up top