Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

An ninh lương thực cho ai?

Gần đây, trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, cụm từ "an ninh lương thực" được dùng nhiều và diễn giải nhiều chiều, nhưng hầu như chỉ có một yêu cầu là để "nuôi đồng bào và nhân loại"

AN NINH LƯƠNG THỰC CHO AI?

NGUYỄN MINH NHỊ  

Lời nhắn của tác giả:

Các Anh kính mến,

Tôi không viết báo nửa, bởi đã cạn nguồn, cụt hứng (già). Nhưng hơn năm qua xem cách điều hành xuất khẩu gạo và cứ ra rả lãi 30% tôi rất bực và buồn nên lọ mọ viết mà không gởi báo nào (vì chưa chắc họ đăng). Vậy gởi các Anh đọc chơi và nếu báo nào (trong nước) chịu  đăng thì tuỳ các Anh.

Nhân năm Cọp, trước thềm Xuân, kính chúc các Anh vạn an, gia đình vạn phúc.

Thân kính,

Bảy Nhị.
Gần đây, trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, cụm từ "an ninh lương thực" được dùng nhiều và diễn giải nhiều chiều, nhưng hầu như chỉ có một yêu cầu là để "nuôi đồng bào và nhân loại". Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bởi chỉ nói đến "nuôi ngọn" chớ chưa nói "nuôi gốc", mà nếu không có"gốc" thì làm sao có "ngọn"?!.

           Các nước phát triển đã giải bài toán nầy từ lâu rồi - từ sau khi hoàn thành công nghiệp hoá. Nước Mỹ hiện chỉ còn chưa đầy một triệu lao động nông nghiệp mà nuôi ăn cho hàng trăm triệu người Mỹ, nước Pháp chỉ khoảng một triệu lao động mà cũng nuôi được cả quốc gia. Trong khi đó, hai nước nầy thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu bắp, đậu nành, thịt bò, sửa và các sản phẩm từ sửa và hoa quả. Được vậy là quá trình công  nghiệp hoá họ đã đồng thời giải bài toán cân bằng gốc - ngọn tương đối hài hoà - gốc ngọn nuôi nhau. Nước Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc… đất sản xuất nông nghiệp rất nghèo nàn, nhưng cũng đã giải quyết vấn đề nầy rất hợp lý. Thái Lan và Malayxia có điều kiện tự nhiên khá giống Việt Nam, đều là nước đang phát triển, vậy mà nông dân họ sản xuất khá ổn định.

             Người xưa và người nay ai ai cũng cho rằng không có nông nghiệp - lương thực là bất ổn.. Điều đó luôn luôn đúng. Càng đúng hơn, hiện nay hơn một tỷ người thiếu lương thực, không bị "bất ổn" là nhờ có nguồn cung ứng gạo từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Myanma… mổi năm cả chục triệu tấn. Điều đó không đúng chút nào về phương diện đạo lý trên bình diện quốc tế, bởi những nước nghèo sản xuất để nuôi nhân loại đói nghèo, như "cơm chấm cơm vậy"!. Vậy mà năm 2008, lương thực thế giới hút hàng, gạo nội địa Việt Nam sốt giá, Chính phủ mới lịnh tạm ngưng xuất khẩu gạo thì Tổng thống Mỹ lên tiếng nói thẳng với Thủ tướng Việt Nam là phải có trách nhiệm ổn định lương thực thế giới!. Vậy mà khi cơ quan thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá Tra và Tôm của Việt Nam thì chánh phủ Mỹ cho là đúng luật của Mỹ. Còn việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da và hàng dệt may Việt Nam  của các nước thuộc EU thì cũng là gián tiếp đánh vào nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch lao động sang phi nông nghiệp để nhẹ gánh cất cánh. Thật không công bằng!. Hèn nào các nước kém phát triển và đang phát triển không dễ gì cất đầu lên nổi, trong đó có phần là do các nước phát triển đối xử không công bằng.

                Trở lại việc nhà của mình. Trưa nay, 6/2/2010, phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam (có lẽ phục vụ cho vụ Đông-xuân sắp thu hoạch), hai quan chức Bộ NN-PTNT trả lời trực tuyến về vấn đề an ninh lương thực cũng chỉ xoay quanh năng suất, sản lượng và thị trường (nội địa và xuất khẩu), nghĩa là xoay quanh an ninh lương thực, nghĩa là an ninh cái ngọn, còn an ninh cái gốc là cải thiện đời sống nông dân thông qua quá trình tích tụ - tập trung đất đai, lao động nông nghiệp dư ra phải chuyển đổi nghề, và đặc biệt là giá sàn mua lúa và cái cơ cấu lợi nhuận 30% cho nông dân như các Bộ đề xuất là thế nào, có đúng hay không?. Không nghe nói. Vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn là cái gốc an ninh. Rất lớn! Ở đây chỉ tham khảo vấn đề giá sàn và lợi nhuận 30% trên ký lúa mà báo đài và các quan chức hay nói. Nó tuy chỉ là một phần nhỏ của cái gốc mà thôi nhưng chưa thấy ai chỉ ra.

                   Lâu nay tính giá thành hạt lúa ta thường chỉ tính: nước, phân, cần, giống. Nhưng thường là tính không sát giá (tính thiếu) và năng suất thường hơi cao hơn thực tế (hơi dư). Trong tính gía thành (giá vốn) còn thiếu hai phần quan trọng là công quản lý của chủ trại và tiền thuê đất. Trong quản lý sản xuất, nông dân trực canh từ ba héc-ta trở lên là chủ trang trại, tạm so sánh với quản lý công nghiệp như là quản đốc (10 héc-ta trở lên như là giám đốc xí nghiệp) vậy mà khi tính gía thành ký lúa lại không có tính lương và các loại bảo hiểm, chi phí giao dịch (trung gian) như giám đốc xí nghiệp. Là chủ gia đình, họ còn phải chi tiêu, phải nuôi con cái hoặc cha mẹ không có sức lao động.. Còn giá thuê đất hiện nay, tuỳ loại, từ một triệu đến hai triệu rưởi trên 1000 mét vuông/năm. Nếu là mua thì bình quân phải từ 40 đến 60 triệu đồng trên một ngàn mét vuông. Vậy ta có tính tiền thuê đất và lãi vay tiền mua đất cho họ hay không?. Còn nếu thuê đất thì không có giấy đỏ, không vay được ngân hàng, vay ngoài lãi từ 5 đến 10%/tháng mà không phải ai cũng có uy tín để vay. Vậy lãi 30% là tính trên cái nền nào?. Đây là uẩn khúc của lời than vãn: làm nông nghiệp không giàu! mà nông dân và nhiều người hay bày tỏ nhưng khi lý giải lại chưa chỉ ra được .  Năm 2008 nói mua lúa cho nông dân có lãi 30% mà mua có 3.800 đồng ký  (thực chất là mua gạo rồi qui đổi ra vậy thôi).. Cũng cần nói thêm là cùng lúc ấy, cùng chất lượng như nhau, Thái Lan cho gía sàn là 5200 ký lúa. Năm nay ta nói mua 4000 đồng ký, nhưng là lúa khô, cân tại kho (ngoài chợ). Vậy là nông dân bán tại rụộng giá mấy? còn mướn ghe chở về kho tốn thêm bao nhiêu một ký? mà chở về kho công ty ở ngoài chợ có mua lúa thiệt không hay mua gạo?. Nói kiểu nầy chưa chắc bán 4000 đồng tại kho công ty mà bằng giá bán của năm rồi là 3800 đồng taị ruộng. Đó là chưa nói mua gạo mà nói mua lúa, hàng xáo phải làm thay cho doanh nghiệp đi mua gom và xay xát, vậy mà cứ bị lên án là " thương lái ép giá nông dân"!. Nói không chánh ngôn thì nông dân và thiên hạ còn khổ dài dài. Thật đáng buồn!.

                An ninh lương thực không còn thuần tuý là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề đạo đức của cộng đồng, là chánh trị của quốc gia và của toàn cầu. Việc lớn như vậy mà chỉ đặt trên hai vai nhà nông và những nước nghèo  thì câu hỏi cũng đặt ra: Vậy an ninh lương thực là cho ai mà nông dân phải lo, còn an ninh cho nông dân thì ai lo? và lo như thế nào?.. Rồi thân phận của những nước nghèo giữ an ninh lương thực cho thế giới, ai giúp họ thoát nghèo mà không tính toán đổi chác và bắt chẹt kinh tế, chánh trị ?! ./.

                                                         

                                                                           Long xuyên, ngày 06/02/2010.

Up top