Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Được tiếp cận nước sạch phải là một quyền của con người

Cho đến nay, trong khi tầm quan trọng của thực phẩm đã được công nhận bằng cách xem là quyền con người thì việc tiếp cận nước sạch chưa phải là một quyền chính thức. Thiếu sót này hy vọng có thể được sửa chữa trong tuần này khi Đại hội đồng LHQ tìm cách tuyên bố nước và điều kiện vệ sinh như là một quyền con người. Gần như không có gì quan trọng hơn nước đối với cuộc sống của con người. Chúng ta không thể sống mà không có nước trong ba ngày hoặc hơn mặc dù một số người đã được báo cáo tồn tại hai tháng mà không có thức ăn. Dĩ nhiên chỉ có không khí là quan trọng hơn cho cuộc sống. Người ta có thể chết sau ba hoặc bốn phút mà không có không khí hoặc ôxy vào người. Một Nghị quyết tuyên bố tiếp cận với nước và hệ thống xử lý nước như là quyền của mỗi con người sẽ được thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết được đề xuất bởi Bolivia và đồng tài trợ bởi 33 quốc gia và dự kiến sẽ có sự ủng hộ của nhiều nước khác. Tuy nhiên, một số nước phát triển không hài lòng với Nghị quyết này. Do vậy, một cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định số phận cho Nghị quyết này. Nghị quyết thể hiện mối quan tâm sâu sắc rằng 884 triệu người thiếu tiếp cận với nước uống an toàn và hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. Nó cũng đưa ra báo động rằng 1,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi và 4,43 triệu em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. Nó cũng nhắc lại những cam kết của các nhà lãnh đạo chính trị thế giới thông qua Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đến năm 2015, sẽ giảm một nửa tỷ lệ người dân không thể tiếp cận hoặc có được nguồn nước uống an toàn và giảm một nửa tỷ lệ người dân không có điều kiện vệ sinh cơ bản, theo thỏa thuận trong Kế hoạch Hành động Johannesburg. Dự thảo Nghị quyết sau đó "tuyên bố quyền đối với nước uống, điều kiện vệ sinh sạch và an toàn là một quyền con người mà cần thiết cho việc thụ hưởng đầy đủ các quyền đối với cuộc sống". Nó cũng kêu gọi các quốc gia và các tổ chức quốc tế hợp tác toàn cầu để cung cấp các quỹ và công nghệ cho những nước đang phát triển để "tăng cường các nỗ lực nhằm cung cấp nước và điều kiện vệ sinh an toàn, sạch, có thể tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả người dân". Maude Barlow, cố vấn cao cấp về nước cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, cho rằng, vấn đề nước đụng chạm đến đời sống của hàng tỷ người mỗi ngày và thế giới cần một tín hiệu rõ ràng rằng nước là một vấn đề ưu tiên cao nhất. Barlow nói: "Khi Tuyên bố nhân quyền toàn cầu năm 1948 được viết, không ai có thể đoán trước rằng đến một ngày khi nước sẽ là một lĩnh vực tranh chấp. Nhưng vào năm 2010, không cường điệu khi nói rằng, việc thiếu tiếp cận nước sạch là vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Gần hai tỷ người sống trong các khu vực căng thẳng về nước và ba tỷ không có nước dùng trong vòng một km từ ngôi nhà của họ. Cứ tám giây có một trẻ em chết do bệnh truyền qua đường nước, trong khi có thể phòng ngừa được nếu được tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh đầy đủ". Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới hết nước sạch. Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới nói rằng, đến năm 2030, nhu cầu toàn cầu đối với nước sẽ vượt quá mức cung cấp đến 40%. Đây là một dự báo gây sốc mà báo trước về sự chịu đựng khủng khiếp. Hành động để làm cho nước trở thành quyền con người như vậy rất kịp thời. Hai tỷ người sống ở các nước đang căng thẳng về nước và đến năm 2025, 2/3 dân số thế giới có thể chịu căng thẳng về nước, trừ khi xu hướng hiện tại thay đổi. Hơn nữa, sẽ có thêm các cuộc xung đột về nước vì nguồn tài nguyên này càng ngày càng khan hiếm. Sự khan hiếm nước có nhiều nguyên nhân. Việc chặt cây rừng đã gây nguy hại cho lưu vực sông và gây xói mòn đất làm bịt kín các con sông. Nước ngầm bị cạn kiệt nghiêm trọng vì nước được lấy lên cho nông nghiệp và công nghiệp. Điều này đã gây cho mực nước ngầm bị giảm ở các khu vực của nhiều quốc gia bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, Tây Á, Nga và Mỹ. Rất nhiều mặt nước cũng bị ô nhiễm và không thể dùng, hoặc nếu được sử dụng, nước bị ô nhiễm sẽ gây ra vấn đề sức khỏe. Thêm nữa, các nguồn cung cấp nước cũng đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu đang gây ra một sự tan chảy nhanh của các sông băng và sông băng sẽ có ít hơn trong tương lai. Nếu LHQ thông qua Nghị quyết, nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với các nhà hoạch định chính sách nhằm giải quyết các yếu tố đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nước trên thế giới. Linh Đức
Up top