Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Cần bảo vệ và sử dụng tốt nguồn nước

Một sự kiện quan trọng bàn về tình hình nguồn nước trên thế giới vừa diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển. Đó là Tuần lễ Thế giới nước với chủ đề: "Đối phó với những thay đổi toàn cầu: Thách thức về chất lượng nước- Phòng ngừa, Sử dụng khôn ngoan và Giảm thiểu". Một trong những điểm được chú ý tại "Tuần lễ Thế giới nước" năm nay tại Stockholm là tập trung vào ba châu lục Á, Phi và Mỹ Latinh. Mục tiêu chính nhằm nêu ra thực trạng của chất lượng nguồn nước tại các quốc gia ở ba châu lục đó. Báo cáo của Ban Tổ chức nêu rõ, nhiều hoạt động của con người nhằm sản xuất ra của cải vật chất đồng thời cũng thải ra những chất gây ô nhiễm. Những loại chất ô nhiễm này đều đi vào các nơi tích nước, các vùng đất ngập nước và các tầng ngậm nước trên trái đất. Chính những đổi thay về dân số, phát triển kinh tế khiến cho nguồn nước ngày càng bị khai thác nhiều. Quá trình đô thị hóa, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu đang tạo nên áp lực mỗi lúc một tăng đối với cả số lượng và chất lượng nguồn nước. Mối nguy mà con người trên trái đất đang phải đối diện đó là tình trạng khan hiếm nước; trong khi đó nhu cầu nước sạch mỗi lúc gia tăng, chất lượng nước lại sút giảm. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại sẽ làm hạn chế dữ dội đến các hoạt động của con người mà có liên quan đến nguồn nước. Rồi sức khỏe của con người cũng bị ảnh hưởng và cả hệ sinh thái trên mặt đất và dưới nước của thế giới cũng bị tác động. Theo thống kê mỗi ngày có đến hai triệu tấn chất thải do đi vào các nguồn nước. 70% các chất thải công nghiệp tại những quốc gia đang phát triển được xả thẳng vào nguồn nước, không qua xử lý. Lượng chất ô nhiễm tích lũy qua thời gian sẽ gây ra những bệnh tật cho con người và gây hại cho hệ sinh thái. Nguồn nước ngầm chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đôi khi nước ngầm bị ô nhiễm nhưng mắt thường không thể nhận dạng được. Để có thể tìm biện pháp khắc phục tình trạng lâu nay đối với nguồn nước trên thế giới, cần phải có những biện pháp kết hợp và yếu tố con người trong đó. Trước tiên phải xác định nguồn gây ô nhiễm nguồn nước và đánh giá mức độ ô nhiễm. Do đó chiến lược kiểm soát và ngăn ngừa tổng hợp cần xem xét đến tác động qua lại giữa cả ba nguồn không khí, đất và nước. Ngoài ra, còn phải xét đến yếu tố khác biệt giữa các lĩnh vực khác nhau, khi ở lĩnh vực này, một chất bị cho là ô nhiễm thì ở lĩnh vực khác lại được xem là nguồn có lợi. Đơn cử như phốt pho rất cần thiết cho nông nghiệp, nhưng lại là nguyên nhân của tình trạng "phì dưỡng". Kinh nghiệm cho thấy biện pháp tái sử dụng và tái chế nguồn nước thải giúp mang lại những kết quả cho việc sử dụng nước. Ngoài ra còn có những cách thức giúp giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm. Biện pháp theo nguyên tắc "Tác nhân gây ô nhiễm phải trả giá cho việc làm đó", buộc những cơ sở, cá nhân bị xác định là nguồn ô nhiễm phải chi trả cho hoạt động giảm thiểu ô nhiễm. Cách làm này buộc nguồn gây ô nhiễm gánh chịu chi phí xử lý, giảm thiểu từ đó khiến họ phải nghĩ đến các sáng kiến giải quyết nguồn ô nhiễm của họ gây nên. Một nguyên tắc tiếp theo nữa là "công khai danh tính" nguồn gây ô nhiễm. Biện pháp này có thể ngăn chặn những hành vi gây ô nhiễm nước nguồn trong tương lai. Đức Phú
Up top