Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Xuất khẩu nông sản: Sốt giá đang giao mùa

Cho dù vẫn chỉ là một nền kinh tế có quy mô cực kỳ khiêm tốn, nhưng với những thành tựu quan trọng trong xuất khẩu hơn một thập kỷ rưỡi qua, Việt Nam đã giành được vị thế đáng kể trên thị trường thế giới. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản chiếm giữ những vị trí rất đáng nể. Tuy nhiên, cần tỉnh táo để đánh giá đúng thực lực và định hướng phát triển phù hợp cho từng mặt hàng, bởi trái đắng mà chúng ta phải nếm trải khi thị trường thế giới giở chứng trở lại sẽ là không nhỏ.

Sốt nóng đang dần tới đỉnh?

Trước hết, các số liệu thống kê của WTO trong 14 năm trở lại đây cho thấy, cơn sốt nóng giá nông sản thế giới hiện nay đang bước vào thời điểm gay gắt giống như ở thời điểm năm 1996 của chu kỳ sốt nóng trước.

Cụ thể, trong chu kỳ sốt nóng kéo dài 4 năm lần trước từ 1994 đến 1997, chỉ số giá của nhóm hàng lương thực (chiếm 21,7% trong "rổ hàng hoá nguyên liệu thế giới") đạt mức đỉnh năm 1996 với 119 điểm, thì ở cơn sốt nóng lần này đang bước sang năm thứ ba, giá của nhóm hàng này vào thời điểm tháng 4 vừa qua cũng đã đạt 103 điểm.

Hẳn nhiên, là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê, cũng như chiếm thị phần đáng kể ở một số mặt hàng nông sản khác, chúng ta đã và đang được hưởng lợi không nhỏ nhờ sốt nóng đồng loạt ở các mặt hàng này.

Chẳng hạn, đối với mặt hàng nông sản chiến lược gạo, nếu như giá xuất khẩu trong hai năm 2005-2006 đã đạt 268,04 - 274,78 USD/tấn, tức là đã tương đương với mức giá trong chu kỳ sốt nóng lần trước kéo dài trong bốn năm 1995-1998, thì trong bốn tháng đầu năm nay đã đại nhảy vọt lên 312,85 USD/tấn, kỷ lục cao nhất trong gần hai thập kỷ xuất khẩu gạo với quy mô lớn của nước ta.

Đối với cà phê, cơn sốt nóng giá cả hiện nay chỉ mới bắt đầu từ năm 2006 vừa qua và trong 4 tháng đầu năm nay đã ước đạt 1.444 USD/tấn và chỉ thấp hơn mức giá đỉnh trong cơn sốt nóng lần trước trên 7%.

Mặc dù vậy, hiện có nhiều lý do để tin rằng cơn sốt nóng giá nông sản trên thị trường thế giới vẫn chưa lên tới mức đỉnh, cho nên chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục được hưởng lợi lớn trong việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chí ít là trong một vài năm nữa.

"Trông giỏ bỏ thóc"

Được lợi hàng nghìn tỷ đồng trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản nhờ thị trường nông sản thế giới sốt nóng trở lại là điều hết sức đáng mừng, đặc biệt là đối với bộ phận dân cư nông thôn vẫn còn rất đông đảo và quá nghèo như nước ta. Tuy nhiên, nếu vì được lợi như vậy mà lại dấy lên phong trào mở rộng sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng loạt mặt hàng nông sản thì triển vọng lại lặp lại "vết xe đổ": chính chúng ta là "thủ phạm", đồng thời cũng là "nạn nhân" là khó có thể tránh khỏi.

Trước hết, thông thường sau mỗi cơn sốt nóng giá cả thế giới kéo dài 4 năm sẽ là một năm "giao mùa" và tiếp theo đó sẽ là một cơn sốt lạnh cũng kéo dài 4 năm, còn sau cơn sốt lạnh cũng sẽ là một năm "giao mùa" để rồi lại bắt đầu một cơn sốt nóng mới. Trong các cơn sốt lạnh này, với việc nhanh chóng leo lên vị trí cường quốc xuất khẩu, có thể khẳng định rằng, chính chúng ta là "thủ phạm chính".

Việc giá hạt tiêu "rơi tự do" năm 2001 cùng với việc chúng ta tăng đại nhảy vọt khối lượng xuất khẩu để giành "ngôi Hậu" trong xuất khẩu mặt hàng này năm 2002 và sự rớt giá thê thảm của mặt hàng này trong suốt 6 năm qua gắn liền với việc chúng ta đẩy ra thị trường thế giới những khối lượng hàng hoá kỷ lục chính là một thí dụ điển hình nhất.

Có nghĩa là, chúng ta gia nhập thị trường xuất khẩu nông sản thế giới trong điều kiện đã được phân chia và chính sự gia tăng bùng nổ như ở mặt hàng hạt tiêu của nước ta là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thị trường thế giới sốt lạnh. Tình trạng gần tương tự cũng xảy ra ở thị trường cà phê.

Rõ ràng, đối với những mặt hàng nông sản mà nước ta đã giữ vị trí quốc gia xuất khẩu hàng đầu, những động thái trong sản xuất và xuất khẩu của nước ta sẽ lập tức ảnh hưởng đến sự thăng trầm của thị trường thế giới. Do vậy, trong điều kiện chúng ta đã ở vào vị thế cường quốc xuất khẩu, vấn đề mấu chốt để đi đến quyết định đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nào và với khối lượng bao nhiêu là tùy thuộc xu thế biến động trong tương quan cung - cầu của thị trường thế giới và tỷ trọng thị phần của chúng ta là bao nhiêu.

Chẳng hạn, trong trường hợp mặt hàng gạo, việc chúng ta tăng đại nhảy vọt 28,46% khối lượng xuất khẩu năm 2005 so với năm 2004 (tăng từ 4,887 triệu tấn lên kỷ lục 5,25 triệu tấn) trong điều kiện thị trường thế giới sốt nóng có thể nói không khác gì "muối bỏ bể", bởi tỷ trọng thị phần của nước ta cũng chỉ tăng từ 15,07% lên 18,94%.

Hơn thế, trong lịch sử thị trường xuất khẩu loại nông sản chiến lược này, cường quốc số 1 thế giới Thái Lan còn lập được kỳ tích độc nhất vô nhị khi tăng đại nhảy vọt khối lượng xuất khẩu của mình từ 7,552 triệu tấn năm 2003 (chiếm 27,41% thị phần thế giới) lên 10,137 triệu tấn (tăng 34,23% và chiếm 37,38% thị phần thế giới) vào thời điểm "giao mùa" năm 2004 với giá tăng 9,55%.

Thế nhưng, đối với thị trường hạt tiêu, rõ ràng là với ba bước đại nhảy vọt của nước ta chỉ trong vòng 4 năm để từ 21,39% vươn lên chiếm 27,29% thị phần thế giới năm 2001; khoảng 36% năm 2002 và khoảng 55-60% hiện nay, không chỉ chúng ta rơi vào tình trạng "gậy ông đập lưng ông", mà còn làm khổ lây cả cộng đồng xuất khẩu hạt tiêu thế giới.

Nói tóm lại, khi đã giành được vị thế cường quốc xuất khẩu nông sản, mọi động thái của chúng ta đều sẽ ảnh hưởng đến cán cân cung - cầu và giá cả của thị trường thế giới. Trong điều kiện như vậy, nếu không biết lượng sức tiêu thụ của thị trường thế giới và không nắm bắt được tình hình diễn biến của "làng xuất khẩu", thua thiệt là khó tránh khỏi. Việc chỉ trong gần 10 năm qua chúng ta đã "quá tam ba bận" găm cả triệu tấn gạo chờ đại hạ giá mới đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc tiến nhanh như vũ bão trên con đường chinh phục "ngôi Hậu" khiến cả làng xuất khẩu hạt tiêu thế giới cùng bị "no đòn" là những minh chứng.

Nguồn tin: Vneconomy
Up top