Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Tình hình phát triển Lâm nghiệp Cộng đồng ở tỉnh Gia Lai

Quản lý tài nguyên rừng và đất rừng dựa vào cộng đồng là một phương thức quản lý rừng dựa vào kiến thức kinh nghiệm truyền thống và nguyện vọng của cộng đồng, hướng đến việc nâng cao năng lực và tăng cường sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng và bên liên quan nhằm quản lý các nguồn tài nguyên bền vững và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá của các cộng đồng dân tộc sống trong và gần rừng. Xu hướng phát triển rừng cộng đồng là quan trọng trong phát triển lâm nghiệp ở nhiều quốc gia nhằm định hướng thu hút sự quan tâm của các cộng đồng để đóng góp vào tiến trình quản lý rừng bền vững.

Tỉnh Gia Lai hiện còn khoảng 727.035 ha rừng tự nhiên được giao cho các tổ chức và các cấp địa phương quản lý (theo số liệu của Sở NN&PTNT Gia Lai, 2005); với tổng dân số là hơn 1.200.000 người, trong đó người Jrai khoảng hơn 300.000 người, Bahnar khoảng hơn 130.000 người, dân tộc khác hơn 17.000 người còn lại là người Kinh. Các khu rừng tự nhiên chủ yếu phân bố ở hai điều kiện sinh thái là Đông và Tay Trường Sơn, hình thành các kiểu thảm thực vật khác nhau, trong từng vùng sinh thái có các cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa sống, trong đó đặc trưng và đại diện là hai cộng đồng Jrai và Bahnar.

Thời gian trước đây dân số ít, nhu cầu sinh kế của người dân chưa lớn, chưa đa dạng vì thế nguồn tài nguyên rừng về cơ bản có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, trong các cộng đồng dân tộc thiểu số việc quản lý tài nguyên rừng có sự trợ giúp đắc lực của các định chế, luật tục truyền thống trong cộng đồng và trong một thời gian dài trước đây chúng đã phát huy hiệu quả tốt do vậy mà tài nguyên rừng được bảo vệ một cách tương đối tốt. Nhưng hiện nay, nhu cầu của người dân tăng cao, sự phát triển mạnh về dân số, vấn đề di dân tự do, khai phá đất rừng trồng cây công nghiệp đã làm suy giảm cả về số lượng và chất lượng tài nguyên rừng. Chính điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, các tác dụng có lợi khác của tài nguyên rừng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, cách đối xử của người dân với tài nguyên rừng. Có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản tác động làm suy giảm tài nguyên rừng về số và chất lượng:
- Rừng và đất rừng thuộc quyền quản lý của Doanh nghiệp nhà nước (180.355 ha), Ban quản lý rừng phòng hộ (196.863 ha) của UBND (301.531 ha), nhưng trong thực tế trước áp lực về tạp quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và nhu cầu về lương thực nên nhiều diện tích rừng bị phá để lấy đất canh tác.
- Đất canh tác nương rẫy được quy hoạch sử dụng triệt để và chưa đúng mục đích;
- Cộng đồng dân cư sống trong rừng, gần rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh kế phụ thuộc lớn vào tài nguyên rừng, nhưng lại thiếu các hướng dẫn quản lý sử dụng rừng hợp lý nên đã có những tác động tiêu cực vào vốn rừng;
- Vấn nạn khai thác gỗ, săn bắn trái phép vẫn đang diễn ra;
- Diện tích rừng qua khai thác chưa được tái đầu tư đúng mức để phục hồi, nuôi dưỡng một cách đầy đủ và đúng qui trình kỹ thuật;
- Khả năng quản lý của các cơ quan quản lý rừng còn hạn chế nên không thể đối phó với các áp lực phá rừng, xâm chiếm rừng từ nhiều phía…

Trước những khó khăn tồn đọng trên, tỉnh Gia Lai đã thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho cộng đồng, với mong muốn là thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp đến nhóm hộ, cộng đồng để sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; người dân sẽ là chủ thực sự trên khoảnh rừng được giao, góp phần cải thiện đời sống người dân bằng hoạt động lâm nghiệp, nâng cao năng lực cộng đồng và thu hút được nguồn lực của nhân dân, truyền thống quản lý tài nguyên của cộng đồng vào tiến trình quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng bền vững. Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai đã thực hiện dự án Lâm nghiệp cộng đồng thí điểm mang tên: “Xây dựng mô hình quản lý rừng và đất rừng dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Jrai và Bahnar”. Dự án đã tiếp cận giao đất rừng ở hai làng của hai cộng đồng dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó phát hiện các vấn đề cần bổ sung, cải tiến trong chính sách cũng như áp dụng và phát triển các phương pháp, kỹ thuật thích hợp. Từ đó, nếu đạt kết quả tốt sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh Gia Lai.

Trong hai năm triển khai dự án 2003-2004, người dân trong hai cộng đồng làng Đê Tar, Ea Chă Wâu, các bên liên quan đã trực tiếp tham gia vào hoạt động của dự án và về cơ bản kết quả của dự án đã đáp ứng được sự mong đợi của người dân và giải quyết tốt các mục tiêu đã đề ra. Trong tiến trình của dự án, tổng cộng có 82 người tham gia, với 135 lượt người. Kết quả là tại Gia Lai đã xây dựng được 2 phương thức giao đất rừng (GĐGR) bao gồm: phương án giao đất rừng giao rừng cho nhóm hộ dân tộc thiểu số Bahnar, làng Đê Tar và phương án giao đất giao rừng cho cộng đồng làng, dân tộc thiểu số Jrai, làng Ea Chă Wâu. Hai phương thức này đã phát triển được hệ thống giải pháp kỹ thuật có sự tham gia trên các trạng thái rừng và đất rừng; xây dựng được các phương pháp đánh giá tài nguyên rừng có sự tham gia của người dân và hệ thống hoá, tài liệu hoá tiến trình phát triển mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Bahnar và Jrai.

Qua các kết quả thử nghiêm giao đất giao rừung ở hai cộng đồng cho thấy các đặc điểm chung nhất như sau:
- Phương thức nhận rừng được cộng đồng đề xuất là nhóm hộ hoặc cộng đồng làng;
- Ranh giới giao được cộng đồng quy hoạch chủ yếu dựa vào ranh giới quản lý rừng truyền thống của làng và bao lấy một lưu vực;
- Hình thành ban quản lý rừng cộng đồng và có quy ước riêng để quản lý rừng;
- Ngoài mục đích kinh doanh gỗ củi rừng được giao, mục đích bảo vệ đầu nguồn, lưu vực hầu như xuất hiện ở cả hai nơi và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng,…

Vấn đề được đặt ra là: Sau khi giao đất, giao rừng làm thế nào để người dân và cộng đồng tổ chức quản lý rừng, đất rừng giao có hiệu quả?

Qua nghiên cứu dự án đã chỉ rõ: Hoạt động sau giao đất giao rừng là hỗ trợ cộng đồng quản lý và kinh doanh tài nguyên rừng có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và nguồn lực của địa phương.

Cụ thể như sau:
- Hình thành ban quản lý rừng cộng đồng ở từng thôn làng, xây dựng và tổ chức thực thi quy ước quản lý rừng cộng đồng.
- Ban quản lý rừng cộng đồng cùng với các nhóm trưởng nhận rừng tổ chức xây dựng, thực thi và giám sát kế hoạch quản lý rừng của chính mình.
- Kế hoạch quản lý rừng cộng động sẽ được trình lên xã, xã sau khi xem xét trình lên huyện để phê duyệt và cho phép thực thi.
- Trong giai đoạn khởi xướng cho lâm nghiệp cộng đồng, cần có cán bộ kỹ thuật cấp huyện, tỉnh của các ban ngành chuyên môn hỗ trợ và cùng cộng đồng xây dựng các kế hoạch quản lý rừng.

Do vậy, cần đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp về các phương pháp giám sát tài nguyên và lập kế hoạch đơn giản; từ đây họ sẽ cùng cộng đồng xây dựng các kế hoạch cho từng thôn làng và dự án đã xây dựng tài liệu hướng dẫn: “Lập kế hoạch quản lý rừng dựa vào cộng đồng” để hỗ trợ cho công việc này trong thực tế.

Sau khi GĐGR cho người dân cộng đồng, thì rừng và đất rừng sẽ được quản lý, kinh doanh như thế nào?

Đây là một vấn đề lớn mà nhiều nhà quản lý, kỹ thuật quan tâm, vì nếu không có một giải pháp nào được áp dụng, rừng không mang lại lợi ích nhằm cải thiện đời sống cho người dân thì việc GĐGR sẽ mất ý nghĩa, thực chất là tạo thêm gánh nặng cho người dân phải bảo vệ rừng hoặc rừng sẽ không được người dân quan tâm và tiếp tục bị tàn phá. Trong khi đó, quy phạm giải pháp lâm sinh chưa cụ thể hoá được đến từng đối tượng rừng, nguồn lực của từng địa phương để có thể lựa chọn giải pháp thích hợp, hơn nữa việc kết hợp với kiến thức địa phương để tìm giải pháp công nghệ thích ứng hầu như chưa được đề cập trong bất kỳ hướng dẫn áp dụng kỹ thuật lâm sinh nào.

Do đó, dự án đã sử dụng và phát triển phương pháp “Phát triển công nghệ có sự tham gia – Participatory Technology Development – PTD) để giải quyết nhu cầu nói trên. PTD được giới thiệu vào Việt Nam trong vòng 4 năm trở lại đây, và đã tỏ ra là một phương pháp thích ứng để phát triển công nghệ thích hợp với nông dân nghèo ở vùng cao; chủ yếu nhằm góp phần đổi mới sản xuất của nông dân, tuy nhiên chưa đề cập đến việc vận dụng PTD để ơhát triển và xây dựng hệ thống kỹ thuật quản lý, kinh doanh trên các trạng thái rừng, đất rừng. Vận dụng PTD và tiếp tục phát triển phương pháp luận này để tìm kiếm giải pháp thích hợp trong điều kiện của nông dân và cộng đồng nghèo vùng cao, và lồng ghép nó vào trong tiến trình quản lý kinh doanh rừng dựa vào cộng đồng, đã mang lại hiệu quả tại Gia Lai. Người dân đã biết phát triển , mở rộng và ứng dụng những thử nghiệm thành công để tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp trên diện tích được giao đã có thể ứng dụng phương thức làm việc theo nhóm, theo cộng đồng để giải quyết những công việc tác động đến tài nguyên rừng, đất rừng. Chính điều đó đã làm cho cuộc sống, thu nhậo của người dân càng ngày càng được nâng cao, các sản phẩm thu được từ rừng đa dạng, liên tục hơn, năng suất cây trồng được cải thiện đáng kể.

Vì vậy, với việc áp dụng phương thức quản lý rừng dựa vào cộng đồng chắc chắn trong một số năm tới diện tích rừng sẽ được duy trì và phát triển, đời sống của người dân sẽ được nâng cao hơn và người dân sẽ an tâm, nỗ lực thâm canh trên diện tích rừng, đất rừng được giao.

Trích lược từ “Báo cáo Tham luận Tình hình Phát triển Lâm nghiệp Cộng đồng ở tỉnh Gia Lai” do Ông Phùng Nhuệ Giang – Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên trình bày trong Hội thảo “Lâm nghiệp cộng đồng và giảm nghèo ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2007.

Liên hệ với người đăng tin này: Nguyễn Trang Nhung – nguyentrangnhung@agro.gov.vn

Phùng Nhuệ Giang - Trung học Lâm nghiệp Tây Nguyên
Up top