Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Để hạt điều Việt Nam đứng vững trong TAM GIÁC ĐIỀU thế giới

Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu điều tới hơn 40 nước trên thế giới. Từ chỗ điều sản xuất ra chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc, nay đã phát triển sang thị trường Mỹ, Tây Âu. Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến điều đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề mà các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cũngnhư người trồng điều quan tâm hiện nay là làm sao để ngành hàng điều Việt Nam giữ vững được thị phần và đâu là hướng đi phát triển bền vững trong tương lai.

Sau khi ngành điều Việt Nam giành ngôi vị đứng đầu thế giới, vượt qua Ấn Độ vào cuối năm 2006, trong 8 tháng đầu năm 2007, xuất khẩu điều của Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng cả về số lượng và kim ngạch. Số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2007, tổng lượng thu mua đạt 420 nghìn tấn, trong đó lượng thu mua trong nước đạt 350 nghìn tấn điều thô, nhập khẩu 70 nghìn tấn. Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng được hoàn thiện và nâng cấp về máy móc nên cho đến thời điểm tháng 8 năm 2007, cả nước đã chế biến được trên 300 nghìn tấn điều thô và xuất khẩu được 92 nghìn tấn nhân các loại, nâng tổng số kim ngạch xuất khẩu lên 375 triệu USD, đạt 65,71% kế hoạch xuất khẩu năm 2007 về lượng và đạt 67% về trị giá hàng xuất khẩu, tăng 18,7% về trị giá xuất khẩu.


Giá điều xuất khẩu sau khi bị giảm mạnh từ mức 5000 USD/tấn xuống còn 4000 USD/tấn vào những tháng cuối năm 2005, sang năm 2006 giá điều xuất khẩu đã được cải thiện. Đến quý I năm 2007 giá xuất khẩu điều chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2006, nhưng sang quý II giá tăng khá, đặc biệt là tháng 7 và tháng 8 giá xuất khẩu tăng cao, đạt 4.180 USD/tấn. Nhìn chung, giá xuất khẩu điều 8 tháng đầu năm 2007 có mức trung bình đạt 4.100 USD/tấn (FOB) Việt Nam. Cùng kỳ năm 2006, giá xuất khẩu điều chỉ đạt 3.950 USD/tấn (FOB). Nguyên nhân tăng giá là do cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện (xuất khẩu hàng trắng nhiều hơn) và nhìn nhung là giá xuất khẩu trung bình của các loại mặt hàng điều khác như W320, W240, W450… đều tăng trung bình 4%.

Nguồn: Trung tâm tin học và thống kê, Bộ NN&PTNT

Hạt điều Việt Nam hiện đang có mặt tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2007, thị trường Hoa Kỳ vẫn đứng vị trí số 1, với thị phần xuất khẩu chiếm 40%. Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 20% thị phần xuất khẩu. Tiếp đó là thị trường các nước Châu Âu 20%, 10% còn lại được xuất sang Nga, Nhật Bản và khu vực Trung Đông.


Nguồn: Tổng cục thống kê, 2007


Thách thức và cơ hội của ngành hàng điều


Mặc dù hạt điều Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới nhưng các nhà sản xuất, xuất khẩu điều vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Đó là, giá thành nhân điều cao hơn giá xuất khẩu do tỷ lệ thành phẩm so với nguyên liệu cao nên giá thành cao. Tình trạng “tranh mua” nguyên liệu vẫn đang tiếp tục diễn ra do nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề lao động cũng là một yếu tố khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành điều. Thực tế, ngay tại vùng nguyên liệu lớn nhất của cả nước là Bình Phước vẫn tồn tại tình trạng thiếu lao động. Năng suất lao động của người lao động hiện nay vẫn còn thấp do tích chất của ngành điều là làm thủ công. Hơn nữa, chi phí để sản xuất ra 1 kg điều thành phẩm tương đối cao. Cụ thể, bà Nông Thị Hồng Dung – Phó giám đốc Công ty chế biến hạt điều Lạc Long Quân cho biết, “Việc bóc tách phơi sấy hạt điều đòi hỏi làm thủ công nên đẩy chi phí lên cao. Trung bình chi phí cho việc bóc tách nhân điều khoảng 16.000 đồng/kg. Chi phí mua nguyên liệu là 12.200 đồng/kg và cần 4 kg điều nguyên liệu để làm ra 1 kg nhân điều thành phẩm”.


Thiếu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, thiếu lao động, chi phí sản xuất cao dẫn đến việc tăng trưởng trong ngành điều không ổn định. Có những năm lợi nhuận rất cao, thậm chí có một số doanh nghiệp có tỷ lệ lãi thu hồi là 40%. Đến năm sau giá điều nguyên liệu bị đẩy lên cao, khiến cho giá thành sản xuất điều cũng tăng theo, có những lúc còn cao hơn giá bán trên thị trường thế giới, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Trung bình biên độ tính vòng quay lãi lỗ của ngành điều là 3 năm/lần. Vì vậy, trong hai năm vừa qua, ngành điều làm ăn thua lỗ nên các doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn từ ngân hàng. Không có vốn kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp, dẫn đến ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và xuất khẩu.

Vấn đề hải quan hiện nay cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu và nhập khẩu điều nguyên liệu. “Thủ tục hải quan hiện nay khá phức tạp, phải trải qua nhiều công đoạn, phải chứng minh thuế hải quan trong khi các lô điều thường không giống nhau. Hải quan luôn “nghi ngờ” các doanh nghiệp khai gian về chất lượng điều. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế làm sao để chứng minh cho hải quan thấy được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng yêu cầu của hải quan, tạo thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu điều”, bà Dung cho biết.

Bên cạnh những khó khăn trên thì ngành điều Việt Nam đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển và khẳng định vai trò của mình trên thị trường quốc tế với tư cách là nước sản xuất và cung ứng nhân hạt điều đứng đầu thế giới. Theo ý kiến nhận định của một số chuyên gia thì nguyên liệu điều của Việt Nam rất tốt, thổ nhưỡng đất đai phù hợp để cây điều phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Thậm chí đã có một số khách hàng trên thế giới yêu cầu hàng điều xuất phải ghi rõ xuất xứ từ Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam đã có những nhà máy lớn đáp ứng đủ tiêu chuẩn ISO để cạnh tranh được với nước ngoài. Thị phần xuất khẩu của những nhà máy này chiếm 25% trên tổng thị phần xuất khẩu điều của cả nước. Những yếu tố này đã tạo ra áp lực đủ lớn để các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ và Brazil phải quan tâm và đồng ý về nguyên tắc xúc tiến thành lập một tổ chức dưới dạng Hiệp hội Điều cho toàn thế giới. Vì vậy, định hướng phát triển từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, định hướng phát triển bền vững cho ngành hàng điều là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền trong thời gian tới. Nếu có bước đi đúng, ngành điều Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia hội nhập sâu rộng hơn, tăng cường vị trí vai trò trong điều phối lượng cung và giá cả nhân hạt điều trên thế giới.

Phát triển bền vững cho ngành điều Việt Nam

Để giữ vững vị thế và tăng khả năng phát triển thị trường điều trong điều kiện hội nhập, thì các doanh nghiệp cũng như nông dân hoạt động trong ngành hàng điều cần nâng cao năng suất, chú trọng đến chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Nâng cao năng suất bằng việc trồng mới và thay thế giống điều đã thái hoá. Cụ thể là các tỉnh trồng điều trọng điểm tại vùng Đông Nam Bộ đã và đang thực hiện kế hoạch quy hoạch lại các vùng trồng điều theo hướng chuyên canh và thâm canh cây điều bằng các giống cao sản mới, nhằm phát triển điều một cách bền vững. Các tỉnh này phấn đấu đến năm 2010, diện tích trồng điều bằng giống cao sản mới đạt hơn 50% tổng diện tích của khu vực. Và đưa diện tích trồng điều của cả nước từ 350.000 ha lên 450.000 ha vào năm 2010. Năng suất bình quân của ngành điều cả nước sẽ đạt 1,4-2 tấn/ha nhằm đưa sản lượng điều thô lên 500.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu nông sản này dự tính ở mức gần 700 triệu USD vào năm 2010 và 820 triệu USD vào năm 2020.


Tuy nhiên, sản lượng điều thô trên vẫn chưa đủ cho chế biến xuất khẩu. Vì vậy, trong quyết định số 39/2007/QĐ-BNN phê duyệt phát triển ngành điều đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ NN-PTNT dự tính sẽ nhập khẩu 125.000 tấn điều thô từ nay đến năm 2010. Quyết định này yêu cầu các tỉnh và địa phương sắp xếp lại các cơ sở chế biến điều theo hướng đến năm 2010 không mở thêm công suất, giảm dần các cơ sở chế biến nhỏ bằng cách lập các công ty, tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, trình độ công nghệ cao, thương hiệu mạnh để tham gia thị trường thế giới. Căn cứ nhu cầu thị trường, các nhà máy nên đầu tư phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên sự phát triển bền vững. Phấn đấu đến 2010 có khoảng 20% nhân điều được chế biến ra các sản phẩm ăn trực tiếp (nhân điều rang muối, chiên bơ, bánh kẹo nhân điều…), sản xuất các sản phẩm chế biến từ quả điều (rượu, nước giải khát…), dầu điều cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiệp hội Điều Việt Nam sẽ tích cực nâng cao vai trò hoạt động hơn nữa để thực hiện tốt việc phối hợp các doanh nghiệp trong công tác dự báo thị trường, khoa học công nghệ, thông tin, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng quỹ bảo hiểm cho sản xuất, xuất khẩu nhân điều. Đồng thời, tiến tới thành lập các câu lạc bộ và hiệp hội những người trồng điều ở các vùng trọng điểm như Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận…Các hợp tác xã dịch vụ làm đầu mối cung cấp vật tư, phân bón và tiêu thụ sản phẩm, quản lý chất lượng, giữ uy tín và thương hiệu hạt điều thô của từng vùng cũng sẽ sớm được triển khai thực hiện.

Liên hệ với tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhung - Email: nguyentrangnhung@agro.gov.vn

Trang Nhung (www.agro.gov.vn)
Up top