Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Bản tin giá nông sản 02/09-08/09/07

Tuần qua, trên thị trường thế giới, giá lúa mỳ tiếp tục tăng cao và phá vỡ mọi kỷ lục về giá, giá cà phê tăng và đạt mức cao nhất trong hai tuần gần đây, giá cao su và các mặt hàng nông sản khác tăng nhẹ trong khi giá đường hạ thấp xuống mức thấp nhất hai năm qua. Ở thị trường trong nước, Giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại sau nhiều tuần giảm liên tục, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, bò, cá.. tăng nhanh. Giá rau quả, trái cây giảm mạnh cùng với lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đã bắt đầu chững lại. Đường Thái Lan nhập khẩu giá rẻ đang tạo sức ép cho giá đường trong nước có xu hướng giảm.

Tin giá thế giới

Tuần qua, trên thị trường thế giới, giá lúa mỳ đã tăng lên nhanh chóng. Tại thị trường Chicago, trong phiên giao dịch 5/9, giá lúa mỳ giao 9/07 tăng lên mức 8,86 USD/bushel (1bushel =27,2 kg), mức giá này cao hơn mức kỷ lục 7,43 USD của tuần trước và đã đạt tới mức cao nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chính của việc giá lúa mỳ tăng nhanh là do nỗi lo về nguồn cung không đủ ở Achentina và Austrailia sẽ đẩy giá lúa mỳ leo thang khiến các khách hàng đổ xô đi mua lúa mỳ nhằm đảm bảo nhu cầu. Tại Châu Âu, giá bột mỳ giao tháng 11/07 cũng tăng hơn 5% so với tuần trước lên mức 300 euro/tấn, lúa mỳ làm thức ăn gia súc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 11 bảng (5,9%) lên mức 197,5 bảng/tấn. Giá cà phê cũng đang có xu hướng tăng lên, tại thị trường London, trong phiên giao dịch giữa tuần, giá cà phê Robusta giao tháng 11/07 tăng 57 USD so với cuối tuần trước, đạt mức 1.777 USD/tấn, mức giá cao nhất 2 tuần qua. Giá cà phê tăng do các quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vì lo ngại thời tiết xấu ảnh hưởng tới các khu vực trồng cà phê ở Nam Mỹ. Giá cà phê Arabica tại NewYork cũng tăng khoảng 2,1 cent đạt mức 1,1795 USD/lb (1lb = 0,454kg). Theo dự báo, Cơn bão Felix hiện nay ở Trung Mỹ sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới vụ thu hoạch cà phê ở Trung Mỹ và làm giá cà phê trong các tuần tới tiếp tục tăng cao hơn nữa. Giá cao su Châu Á đồng loạt tăng, trong phiên giao dịch 3/9 tại Châu Á, giá cao su RSS3 giao tháng 10/07 của Thái Lan tăng 0,03 USD lên 2,15 USD/kg, cao su SMR20 của Mailaixia giao cùng kỳ hạn cũng tăng 0,03 USD lên 2,1 USD/kg, giá cao su SIR20 tăng 0,01 USD lên 0.95 USD/lb. Nguyên nhân dẫn tới giá cao su tăng do ảnh hưởng của sự hồi phục giá cao su kỳ hạn ở Tokyo tuần trước và nhiều khách hàng đang tìm kiếm cao su cho dự trữ .

Trong khi nhiều các mặt hàng nông sản tăng giá thì giá đường thế giới lại giảm tới mức thấp nhất trong hai năm qua. Tại sở giao dịch Hàng hoá London, phiên giao dịch 6/9, giá đường trắng giao tháng 10/07 giảm xuống mức 270,1USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2005. Cùng ngày, tại sở giao dịch kỳ hạn Mỹ ICE (tên mới của sở giao dịch hàng hoá NewYork), giá đường thô giao tháng 10/07 cũng giảm 0,07 cent xuống 9,38 cent/lb. Nguyên nhân giá đường nhanh chóng tụt dốc là do nguồn cung đường thế giới đã vượt mức 10 triệu tấn và triển vọng năm tới thế giới sẽ lại tiếp tục dư thừa lượng đường tương tự. Giá đường theo dự báo khó có thể đẩy lên cao hơn trong thời gian tới do nguồn dư thừa từ Braxin và Ấn Độ cũng đang có một vụ đường bội thu.

Giá hạt tiêu kỳ hạn tăng liên tiếp trong hai ngày cuối tuần do ảnh hưởng của khan hiếm nguồn cung trên thị trường quốc tế. Indonexia đã tăng giá hạt tiêu LASTA lên 3.650-3.700 USD/tấn, trong khi Braxin chào bán hạt tiêu B Asta giá 3.400 USD/tấn. Việt nam báo giá hạt tiêu Asta 3.500 USD/tấn nhưng có rất ít người bán, hạt tiêu cùng loại của Ấn Độ giá 3.625 USD/tấn. Những báo cáo sơ bộ từ các nước sản xuất cho thấy nguồn cung hạt tiêu thế giới sẽ khan hiếm trong những tháng tới và giá hạt tiêu có rất nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao.

Giá trong nước

Sau bốn tuần liên tiếp giảm giá, hiện nay giá cá tra nguyên liệu trong nước đang có xu hướng tăng trở lại. Tại các tỉnh ĐBSCL, giá các tra nguyên liệu thịt trắng bán giá 13.500 đồng/kg, thịt hồng 13.100 đồng/kg, tăng trung bình 100-200 đồng. Nguyên nhân khiến giá cá tra tăng là do Việt Nam đã có các đơn hàng nhập khẩu từ thị trường Liên Bang Nga làm nhu cầu về cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến cũng tăng theo kéo theo giá thu mua tăng. Đây là tin vui cho các hộ nuôi cá nguyên liệu ở ĐBSCL sau nhiều tuần chờ đợi và liên tục phải bán giảm giá cho các công ty chế biến. Giá một số mặt hàng nông sản tăng mạnh. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, giá thịt gà, vịt đang tăng nhanh. Tại các trại chăn nuôi, giá gà công nghiệp là 24.000 đồng/kg, gà tam hoàng giá 29.000 đồng/kg, vịt giá 33.000 đồng/kg, tăng trung bình 3.000-5.000 đồng so với tuần trước. Thịt lợn sau một thời gian giảm giá đã bắt đầu khôi phục, thịt lợn hơi đã tăng lên mức 23.000 đồng/kg, tăng 6.000-8.000 đồng so với thời diểm dịch tai xanh bùng nổ, thịt thăn 55.000 đồng/kg, thịt bò thăn 85.000 đồng/kg tăng trung bình 5.000-7000 đồng. Theo dự báo giá tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm sẽ không có xu hướng giảm mà tiếp tục tăng cho tới cuối năm 2007. Giá trái cây giảm mạnh tại Vĩnh Long. Tại thời điểm hiện tại, giá giảm mạnh so với tháng trước. Giá nhãn da bò khoảng 2.200-2.500 đồng/kg, giảm 11,6%, bưởi năm roi giá 4.600-5.200 đồng/kg, giảm 15%, sầu riêng hạt lép từ 12.000-13.000 đồng/kg, giảm gần 50%, chỉ có cam sành là vững giá ở mức 11.000 đồng/kg (tăng 2000 đồng so với cùng kỳ tháng trước).

Đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam đang tạo sức ép hạ giá đường trong nước. Tại nhiều chợ ĐBSCL, giá đường thái Lan trung bình chỉ 7.500 đồng/kg trong khi đường trắng trong nước được bán với giá 8.500 đồng/kg. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng đường niên vụ 2007/2008 cả nước đạt 1,4 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước cho cả năm 2008. Như vậy, nếu không ngăn chặn nạn nhập lậu đường Thái Lan thì nhiều khả năng giá đường Việt Nam thời gian tới sẽ giảm do sức ép cạnh tranh.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang đứng vững. Các nhà giao dịch hiện nay đã nâng giá chào bán gạo 5% tấm lên 315-317 USD/tấn, so với mức 312 USD/tấn của tuần trước và gạo 25% tấm cũng nâng giá từ 297 USD/tấn lên 299 USD/tấn. Theo dự báo, việc nguồn cung gạo bị thắt chặt hơn trong thời gian tới khi vụ thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL kết thúc vào cuối tháng này và sản lượng giảm do sâu bệnh sẽ tiếp tục đẩy giá gạo tăng lên.

Giá các loại vật tư nông nghiệp biến động nhẹ, giá phân bón các loại tăng giảm không đồng đều so với tuần cuối 8/07. Phân Urê giá 4.500 đồng/kg, giảm 100 đồng, phân DAP tăng 400 đồng lên mức 7.360 đồng/kg, phân lân giá 5.650 đồng/kg, Kali 3.000 đồng/kg. Giá vật tư nông nghiệp theo dự báo sẽ ít biến động cho tới hết tháng 9/07 do ảnh hưởng mùa vụ ở các tỉnh ĐBSCL.
Nguyễn Quốc Chinh (www.agro.gov.vn)
Up top