Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Sản xuất manh mún cản trở cơ giới hóa”

Nội dung cuộc trò chuyện với TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL về vấn đề cơ giới hóa tại vùng này. Tại Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức xong hội thi máy gặt đập liên hợp vùng ĐBSCL. Là Phó ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, ông có thể cho biết vì sao trong thu hoạch lúa, giờ đây loại máy này được đặc biệt khuyến khích?

Có nhiều nguyên nhân làm cho việc cơ giới hóa thu hoạch lúa tiến triển chậm, trong đó có việc chưa có mẫu máy nào thực sự thích hợp, hiệu quả.

Do vậy ngày 22/6/2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định tổ chức cuộc thi máy gặt đập liên hợp diễn ra trong 4 ngày.

Nguyên do vì trong vụ đông-xuân vừa qua, do phải xuống giống đồng loạt để né rầy, phòng chống bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá nên toàn vùng phải thu hoạch lúa đồng loạt trong thời gian tập trung, thiếu hụt lao động do vậy càng thêm căng thẳng.

Trong bối cảnh hiện nay, máy gặt đập liên hợp được người nông dân lựa chọn vì chỉ với năng suất 1 máy, 3 người phục vụ thay được 100 lao động phổ thông. Việc phát triển máy gặt đập liên hợp không những chỉ là lời giải bài toán thu hoạch lúa mà còn là đầu tàu thúc đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nghề trồng lúa.

Vì vậy, ngay từ khi vận động, Ban Tổ chức cũng khuyến khích các loại máy gặt xếp dãy, máy gom lúa, máy hốt lúa cùng tham gia trình diễn trong những ngày hội thi.

Ngày 4/7, tại buổi tổng kết hội thi, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá cao việc nghiên cứu, chế tạo, cải tiến các mẫu máy gặt đập liên hợp phù hợp với đồng ruộng. Các doanh nghiệp cơ khí sản xuất đã tìm ra được các mẫu máy thích hợp nhất, hiệu quả nhất và nông dân chấp nhận, kể cả về giá cung cấp, dịch vụ bảo hành.

Để dùng cơ giới thu hoạch cho thuận lợi, việc canh tác lúa cũng cần được sắp xếp cho phù hợp. Công việc này nên được tiến hành ra sao, thưa ông?

Để bảo đảm cho việc cơ giới hóa trong thu hoạch lúa được thuận lợi, cần phải giải quyết các yêu cầu đặt ra trong tổ chức cũng như quá trình sản xuất. Khó khăn hàng đầu cho việc cơ giới hóa sản xuất lúa là diện tích lô thửa của nông hộ quá nhỏ hẹp, manh mún.

Ruộng nhỏ quá thì máy móc các loại từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đều khó xoay trở. Để có diện tích thuận lợi dùng cơ giới hóa, nhiều nơi có giải pháp dồn điền đổi thửa nhưng việc này rất chậm và rất khó khăn. Một số tỉnh ĐBSCL đã triển khai các hợp tác xã, vùng chuyên canh lúa.

Cơ giới hóa trong sản xuất cần có đường giao thông thủy bộ thuận tiện cho máy móc đi lại từ đồng này sang đồng kia. Bờ lô, bờ thửa còn cần phải chắc chắn để chủ động quản lý nước trên đồng ruộng. Trước thu hoạch 10-15 ngày, đồng ruộng được chủ động rút nước, tạo nền đất khô ráo thuận lợi cho máy chạy để thu hoạch.

Trong khâu làm đất, phải tạo tầng đế cày có nền đất vững chắc mới sử dụng cơ giới. Như vậy, phải san phẳng mặt ruộng để chủ động cung cấp nước cũng như thoát nước đồng đều.

Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) có chuyển giao cho Việt Nam công nghệ dùng máy san phẳng mặt ruộng, điều khiển bằng tia la-de. Trong gieo cấy, phải có cách để tránh cho lúa không đổ ngã khi thu hoạch. Có thể cấy thủ công hoặc dùng máy cấy.

Nhiều loại máy cấy của Nhật, Hàn quốc, hay của liên doanh Trung Quốc - Hàn Quốc đã được nhập về, phổ biến ở nước ta. Sau cùng là chọn phương pháp và máy thu hoạch thích hợp.

Như vậy trong quá trình cơ giới hóa sản xuất lúa, chúng ta nên phát huy ưu thế của các loại máy thu hoạch, nhất là máy gặt đập liên hợp tới đâu? Làm cách nào để có nhiều máy hơn nữa?

Máy gặt xếp dãy chỉ thao tác gặt và xếp thành dải (hàng) để thu gom, bốc vác, vận chuyển đến máy đập. Trong điều kiện lô thửa của nông hộ còn nhỏ hẹp, đường giao thông nông thôn còn hạn chế thì máy gặt xếp dãy vẫn còn phát huy tác dụng, nhưng cần có các máy gom, hốt lúa phù hợp.

Nếu chỉ tính máy gặt đập liên hợp thì cả vùng cần tới 20.000 máy, điều này là khó khả thi. Hiện tại vùng ĐBSCL mới có khoảng 480 máy gặt đập liên hợp, trong 10 năm tới, cần có khoảng 6.000-7.000 máy, tức đảm đương 1/3 diện tích.

Đoạt các giải nhất, nhì trong hội thi vừa qua là những máy do các cơ sở cơ khí gắn bó với đồng ruộng tại chỗ nghiên cứu chế tạo. Nhưng do thiếu quy trình công nghệ cơ khí, việc sản xuất hàng loạt sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hội thi và bà con nông dân đã tổng kết những yêu cầu của đồng ruộng ĐBSCL, tin rằng các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sẽ tiếp tục cải tiến để hoàn thiện các máy thu hoạch.

Đồng thời, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu chính sách tín dụng ưu đãi hơn nữa để người dân dễ dàng vay vốn mua máy, cho doanh nghiệp vay vốn nghiên cứu, cải tiến, mở rộng sản xuất.

Trong chức năng của mình, Viện lúa ĐBSCL sẽ phối hợp với các tỉnh tiến hành thực hiện các dự án thí nghiệm mô hình thâm canh lúa tổng hợp phù hợp với việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa.

Nguồn tin: Vneconomy
Up top