Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Tin vắn thị trường thế giới

Ngày 7/8, giá FOB hạt tiêu giao ngay tại Brazil loại B Asta còn 3.750- 3.850 USD/tấn; của Ấn Độ là 3.850 USD/tấn. Ngày 1/8, giá hai loại hạt tiêu này đều là 3.900 USD/tấn. Giá hạt tiêu đang gặp bất lợi phải chịu sức ép giảm giá bởi nhu cầu từ khách hàng quốc tế lúc này không nhiều. Hầu hết người mua đều chờ đợi giá giảm thêm nữa. Thị trường Việt Nam trầm lắng. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu hạt tiêu Indonesia, sản lượng hạt tiêu năm 2007 của nước này có thể đạt 35.000 tấn, tăng 17% so với 30.000 tấn năm ngoái. Nhưng trong dài hạn, giá hạt tiêu sẽ sớm tăng trở lại do sản lượng hạt tiêu của Việt Nam và Brazil được dự báo sẽ giảm trong năm 2007 do thời tiết bất lợi và sâu bệnh.

* Ngày 7/8, giá đường trắng giao ngay tại Luân Đôn lúc mở cửa còn 304,7 USD/tấn. So với ngày 3/8, giá đường trắng đã giảm 5,7 USD/tấn. Hiện giá đường thấp hơn 18,8 USD/tấn so với mức cao nhất tháng 7 được xác lập vào ngày 12/7.

Triển vọng nguồn cung đường dư thừa toàn cầu tiếp tục tác động đến giá đường. Hãng tư vấn Kingsman vừa nâng mức dự báo lượng đường dư thừa trên thế giới vụ 2007/2008 lên 11,16 triệu tấn so với dự báo 9,48 triệu tấn trước đó. Việc giá đường thô tăng lên mức cao nhất trong 25 năm qua vào hồi đầu năm 2006 đã làm nông dân khắp nơi trên thế giới mở rộng diện tích trồng mía, tạo ra nguồn dôi khổng lồ, gây ra sự rớt giá mạnh.

* Ngày 7/8, giá thịt lợn Mỹ kỳ hạn tháng 8 hiện giao dịch ở mức 72,10 UScent/Lb. Ngày 27/7, giá thịt lợn Mỹ cùng kỳ hạn còn được giao dịch ở mức 72,750 UScent/Lb.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, giá thịt lợn Mỹ chịu sức ép giảm giá do hai thị trường Mexico và Nga đã giảm số lượng nhập khẩu và tiêu thụ thịt lợn từ Mỹ. Mặc dù hoạt động xuất khẩu ở một vài thị trường khác lại tăng, như Nhật Bản tăng 11,5%, Hàn Quốc tăng 3,1% và Canada tăng 2,5%, nhưng những con số này không thể bù đắp thiệt hại do hai thị trường lớn là Mexico và Nga mang lại. Tính từ đầu năm 2007 đến nay, xuất khẩu thịt lợn sang Mexico giảm 30%, xuất khẩu sang Nga giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

* Ngày 7/8, giá FOB cao su RSS2 giao ngay tại Singapore lúc mở cửa đạt 3.380 SGD/tấn. Giá cao su đã tăng thêm 22 SGD/tấn so với ngày 3/8. Giá cao su đã ở xu thế tăng từ mức 3.203 SGD/tấn ngày 20/7. So với 3.405 SGD/tấn ngày 2/7, mức giá cao nhất tháng 7, giá cao su chỉ còn thấp hơn 25 SGD/tấn.

Giá cao su giữ vững đà tăng do nguồn cung vẫn chưa được cải thiện, nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh. Dự báo năm 2007, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,75 triệu tấn cao su thiên nhiên, tăng 1,7% so với 2006. Hiệp hội buôn bán cao su Nhật cho biết, lượng cao su dự trữ tại Nhật đến 20/7 giảm 11% so với cùng kỳ tháng trước, từ 13.650 tấn, xuống còn 12.108 tấn, mức thấp nhất kẻ từ ngày 20/12/06.

* Ngày 7/8, giá ca cao giao ngay lúc mở cửa tại New York còn 1.925 USD/tấn. Giá ca cao đã giảm thêm 40 USD/tấn so với ngày 3/8. Giá ca cao đã ở xu thế giảm giá từ mức 2.042 USD/tấn ngày 26/7. So với mức cao kỷ lục 2.081 USD/tấn ngày 12/7, giá ca cao đã giảm gần 7,5%.

Giá ca cao trên thị trường tiếp tục giảm nhờ nỗi lo về nguồn cung dịu bớt, do triển vọng ca cao vụ này của Bờ Biển Ngà được cải thiện. Từ ngày 1/1/2006 đến ngày 29/7 đã có 1.165.551 tấn ca cao được chuyển tới các cảng của Bờ Biển Ngà so với 1.311.659 tấn cung kỳ vụ trước. Giá ca cao kỳ hạn tháng 9 cũng giảm xuống còn 1.893 USD/tấn, so với 1.937 USD/tấn tuần trước.

Nguồn tin: Vneconomy
Up top