Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Xoá lời nguyền “nghèo khổ” cho hạt gạo Việt Nam

GS.TS Võ Tòng Xuân (Đại học An Giang) trăn trở: “Nước mình xuất khẩu gạo ào ào mà người trồng lúa vẫn còn nghèo lắm". Thưa ông, tại sao giá lúa gạo của Việt Nam bán ra thị trường thế giới lại luôn thấp hơn các nước khác?

Đó là kết quả của cả quá trình lâu dài. Ở giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam chọn năng suất cao, khi đó từ nhà khoa học đến nông dân đều có cùng suy nghĩ hễ giống lúa nào năng suất không cao thì không nghiên cứu, không trồng (khác với Thái Lan chọn hướng chất lượng ngon).

Kết quả là chúng ta đã chọn được những giống ngắn ngày cho năng suất rất cao, xuất khẩu gạo vào hàng top trên thế giới. Nhưng khi vào WTO thì thấy rõ Việt Nam chưa thắng, gạo Việt Nam bán với giá rẻ và chỉ cung cấp cho các thị trường nghèo hoặc dùng làm “gạo ngang” - làm tinh bột nguyên liệu để chế biến các thực phẩm khác.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá gạo Việt Nam bán ra thấp là do chất lượng không đồng nhất?

Tôi từng làm việc với các công ty mua gạo của nước ngoài. Họ nói gạo Việt Nam mở ra “không rặt một thứ, pha trộn tùm lum”, làm sao trả giá cao được. Một trong những lý do quan trọng là người nông dân không kết nối trực tiếp được với doanh nghiệp xuất khẩu. Nông dân chủ yếu bán gạo cho thương lái. Mà thương lái lại không để nguyên hoặc chia từng loại, mua của rất nhiều nơi về trộn lại với nhau rồi mới bán.

Thêm vào đó Việt Nam chưa có những công ty có năng lực lớn thực sự. Chẳng hạn tầm cỡ như công ty xuất khẩu gạo V ở nước mình, không có nhiều nhà máy, khi ký hợp đồng thì rải ra thu gom nhiều nơi, gạo không cùng giống, chất lượng không đồng nhất là vậy.

Vậy để hạt gạo Việt Nam có giá cao hơn, theo ông phải làm gì?

Cần thay đổi suy nghĩ, tạo cho người nông dân hiểu được đã đến lúc phải làm ra gạo có chất lượng cho người tiêu dùng khó tính. Không chỉ thế giới mà ở Việt Nam cũng đã phát triển xu hướng ăn gạo ít hơn, nhưng chất lượng phải ngon. Những loại gạo xốp, nở bán giá thấp nên hạn chế và dần dần thay thế bằng những loại gạo dẻo, thơm. Thuyết phục nông dân trồng đúng phương pháp.

Có thể bắt đầu bằng cách các công ty kinh doanh tham gia vào việc hợp tác, hỗ trợ nông dân xây dựng những chuỗi nông trường, chọn đất tốt, chọn giống, canh tác, kỹ thuật… làm ra những loại gạo ngon tiêu biểu. Xây dựng thương hiệu riêng và đưa ra bán ở các vùng đô thị trong và ngoài nước.

Từ đó khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, tạo dựng thương hiệu uy tín từ chất lượng để nâng thu nhập trồng lúa lên cao hơn. Làm ít mà vẫn có nhiều tiền hơn. Ngoài ra nhà kinh doanh cần xây dựng mạng lưới thu mua loại bỏ bớt khâu trung gian để kiểm soát chất lượng đầu vào tốt hơn.

Dường như thời gian vừa qua các công ty kinh doanh mới chỉ xuất khẩu gạo với hình thức thô, mà chưa chú ý nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo?

Có một thực tế là nhiều container gạo Việt Nam khi đến cảng nước ngoài mở ra là bị mốc. Tôi biết rõ là nhà xuất khẩu không hề dùng gạo cũ, vì họ đâu có dùng hàng tồn kho xuất khẩu. Nguyên nhân là do ở quy trình đánh bóng gạo, khâu chót có dùng nước để làm bóng. Nên gạo ngay khi làm ra mà đóng bao liền thì mau hư.

Làm ra hạt gạo đã rất vất vả, nhưng muốn bán tốt phải cực công hơn. Chà bóng xong lại phải làm khô gạo, gạo đóng bao đảm bảo ẩm độ 14% có thể để cả năm và giữ chất lượng ngon.

Hiện nay một số vùng ở Long An, Tiền Giang và nhiều nhất là Sóc Trăng, nông dân đã bắt đầu phát triển những vùng trồng gạo chất lượng cao, giá bán ra trên 9.000 đồng/kg.

Nhà kinh doanh có thể cùng tham gia với nông dân, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo, bắt đầu bán từ trong nước rồi xuất khẩu thương hiệu ra nước ngoài; phát huy văn hoá ẩm thực Việt Nam, sản xuất và chế biến những món ngon từ gạo: cơm tấm, bún, hủ tiếu, bánh tráng… để quảng bá với nước ngoài như cách làm của Nhật Bản, Hàn Quốc: giới thiệu hàng trăm loại bánh làm từ gạo.

* Xu hướng tiêu dùng thế giới đang thay đổi. Chẳng hạn ở Nhật năm 1965 bình quân mỗi người ăn đến 130kg gạo/năm. Nhưng năm 2000 chỉ còn 45kg gạo/năm. Việt Nam những năm 1980 mỗi người ăn 130 - 160kg gạo/năm, nay con số này cũng giảm dần. Người ta ăn gạo ít hơn nên cần ngon và có đáp ứng được nhu cầu chất lượng thì làm ít vẫn có doanh thu cao

Nguồn tin: Vneconomy
Up top