Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Thành lập và hỗ trợ các TCDN ở Phú Ninh và Đá Bàn

Thành lập và hỗ trợ các Tổ chức dùng nước tại các khu mẫu thuộc các tiểu dự án Phú Ninh (Quảng Nam) và Đá Bàn (Khánh Hòa)thuộc Dự án Hỗ trợ Thủy lợi Việt Nam (VWRAP) do WB tài trợ

Thành lập và hỗ trợ các Tổ chức dùng nước tại các khu mẫu thuộc các tiểu dự án Phú Ninh (Quảng Nam) và Đá Bàn (Khánh Hòa)

1. Các nhiệm vụ của Tư vấn trong việc xây dựng các TCDN ở các tiều dự án

Mục tiêu của Dự án:

(i) Tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý vận hành các hệ thống tưới thông qua xây dựng năng lực và tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng tại địa phương;

(ii) Giảm tỷ lệ đói nghèo ở các vùng nông thôn nhờ cải thiện dịch vụ tưới và tăng thu nhập từ nông nghiệp cho nông dân;

(iii) Tạo điều kiện cho phụ nữ, những người thực hiện phần lớn các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp được tham gia vào quản lý tưới ở địa phương.

Nhiệm vụ của Tư vấn:

(i) Thành lập các tổ chức dùng nước ở khu mẫu kênh N12, N16, và N18 ở các xã Tam Thành (huyện Phú Ninh), Bình An, Bình Quý, Bình Tú, Bình Chánh, và thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) thuộc TDA Phú Ninh và khu mẫu kênh N3 và N4 ở các xã Ninh Thọ, Ninh An, và Ninh Đông (huyện Ninh Hòa) thuộc TDA Đá Bàn.

o Các Tổ chức dùng nước được thành lập theo biên giới thuỷ lực, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính.

o Các tổ chức dùng nước này có thể được nâng cấp từ các HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc tổ chức thuỷ nông cơ sở hiện có hoặc xây dựng mới tuỳ theo yêu cầu cụ thể của từng địa phương.

(ii) Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các Tổ chức dùng nước về các vấn đề tài chính, hành chính, kỹ thuật liên quan tới quản lý tưới.

(iii) Tăng cường sự tham gia tích cực của phụ nữ trong vai trò thành viên của các Tổ chức dùng nước bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia tập huấn, đào tạo và tham gia vào các quá trình ra quyết định.

(iv) Hỗ trợ các Tổ chức dùng nước hoạt động khởi đầu, xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp thông qua chương trình các khoản tài trợ nhỏ.

2. Phương pháp tổ chức thực hiện/Phối kết hợp với địa phương

  • Đội tư vấn sử dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia đồng thời từ dưới lên và từ trên xuống. Sự tham gia được tiến hành ở tất cả các cấp, bao gồm: tỉnh, huyện, xã, và thôn. Đối tượng tham gia là người hưởng lợi và các bên liên quan. Quá trình tham gia được thực hiện trong tất cả các giai đoạn và các hoạt động thực hiện Hợp phần PIM.
  • Các TCDN tiến hành thành lập/củng cố, lập và thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp với hỗ trợ kỹ thuật của Tư vấn.
  • Chính quyền địa phương đã tham gia vào quá trình thành lập/củng cố các TCDN thông qua việc tham gia vào các ban công tác lâm thời, tham dự một số cuộc họp của ban công tác lâm thời, tham dự đại hội thành lập/củng cố các tổ chức dùng nước….
  • Các IMC cử cán bộ cùng làm việc với Nhóm tư vấn tại cấp cơ sở vận động người dân tham gia TCDN và giải thích các vướng mắc về kỹ thuật cho người dân trong địa bàn.
  • Công cụ tuyên truyền là sử dụng các tờ rơi, áp phích, và hệ thống loa truyền thanh kết hợp với phổ biến truyền miệng của những người tham dự họp ở các thôn tới những người không có điều kiện đi họp. Người dân đã tích cực tham gia thông qua việc tham gia vào các ban công tác lâm thời, tham dự các cuộc họp, và viết đơn xin tham gia vào HTX.

3. Mô tả tóm tắt các hoạt động chủ yếu – Vai trò của Tư vấn NGO trong các hoạt động

· Tuyên truyền nâng cao nhận thức về PIM: Tư vấn hỗ trợ tổ chức các các cuộc họp, hội thảo, đào tạo, thảo luận, in tờ rơi, áp phích... để phổ biến thông tin.

· Tư vấn cùng với IMC và các xã thôn tiến hành đánh giá hiện trạng công trình và tổ chức quản lý thủy nông tại từng khu mẫu.

· Xây dựng mô hình TCDN phù hợp: Tư vấn hỗ trợ các xã, thôn tìm hiểu và xây dựng mô hình TCDN phù hợp.

· Tập huấn cho các TCDN trước khi thành lập: Tư vấn cử giáo viên thực hiện tập huấn. Các PMU tổ chức tập huấn. CPIM chuần bị tài liệu tập huấn.

· Chuẩn bị điều lệ, quy chế hoạt động của các TCDN: Tư vấn hỗ trợ các Ban công tác lâm thời (đối với các TCDN thành lập mới) và các Ban quản trị của các HTX (đối với các TCDN được củng cố) xây dựng dự thảo điều lệ quy chế, họp thông qua điều lệ quy chế, hoàn thiện quy chế, điều lệ và chuẩn bị đại hội.

· Đại hội thành lập/củng cố các TCDN: Tư vấn hỗ trợ các Ban công tác lâm thời (đối với các TCDN thành lập mới) và các Ban quản trị của các HTX (đối với các TCDN được củng cố) tổ chức đại hội thành lập/củng cố các TCDN.

· Hoàn thiện các thủ tục pháp lý: Tư vấn hỗ trợ các TCDN chuẩn bị các thủ tục pháp lý và giải thích với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các TCDN.

· Tập huấn về vận hành, duy tu bảo dưỡng, và xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp: Tư vấn cử giáo viên thực hiện tập huấn. Các PMU tổ chức tập huấn. CPIM chuần bị tài liệu tập huấn.

· Lập kế hoạch phát triển nông nghiệp (ADP): Tư vấn hỗ trợ các TCDN lập kế hoạch hỗ trợ phát triển nông nghiệp đáp ứng những yêu cầu của dự án, bao gồm cả sử dụng phần vốn kết dư.

· Họat động và thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp: Tư vấn hỗ trợ các TCDN trong các hoạt động ban đầu và trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp.

4. Kết quả thực hiện thành lập TCDN

· Khu mẫu tiểu dự án Phú Ninh: đã củng cố được 4 TCDN, bao gồm HTXDVNN số 1 Tam Thành (lien thôn), HTXDNNN số 2 Tam Thành (liên thôn), HTXDV SXNN kinh doanh thôn Bình An 2 (liên thôn), HTXDV SXNN 2 Bình Quý (liên thôn) và thành lập mới 2 HTXDN là HTXDN kênh 16 Bình Tú – Bình Chánh (liên xã) và HTXDN kênh N18 Bình Tú – Hà Lam – Bình Phục (liên xã).

· Khu mẫu tiểu dự án Đá Bàn: đã thành lập mới 2 TCDN là HTXDN kênh N3 Ninh An – Ninh Thọ (liên xã) và HTXDN kênh N4 Ninh An – Ninh Đông (liên xã).

8 TCDN được thành lập/củng cố theo đúng các tiêu chí PIM của Dự án đề ra, bao gồm:

· Thành lập theo biên giới thủy lực: Các TCDN mới được thành lập đều theo ranh giới thủy lực không dựa trên địa giới hành chính với quy mô là thôn, liên thôn, hoặc liên xã.

· Tự chủ: 4 TCDN mới thành lập và 4 TCDN được củng cố đều có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng. Các TCDN đều tự chủ về tài chính. Nguồn thu chủ yếu là từ thủy lợi phí nội đồng và các dịch vụ nông nghiệp. Kế hoạch tài chính được xây dựng dựa trên nguồn thu để đảm bảo cân đối thu chi.

· Tự nguyện: xã viên của 4 TCDN mới thành lập đều làm đơn tự nguyện xin tham gia HTXDN. Thành viên ban quản trị và ban kiểm soát được lựa chọn dựa trên bầu cử công khai.

· Loại hình: được thành lập mới hoặc củng cố theo yêu cầu của địa phương.

8 TCDN này quản lý toàn bộ diện tích khu mẫu theo như thiết kế của Dự án.

5. Kết luận và kiến nghị

(i) Kết quả ở khu mẫu tiểu dự án Phú Ninh đã củng cố được 4 TCDN, bao gồm HTXDVNN số 1 Tam Thành, HTXDNNN số 2 Tam Thành, HTXDV SXNN kinh doanh thôn Bình An 2, HTXDV SXNN 2 Bình Quý và thành lập mới 2 HTXDN là HTXDN kênh 16 Bình Tú – Bình Chánh và HTXDN kênh N18 Bình Tú – Hà Lam – Bình Phục. Tại khu mẫu tiểu dự án Đá Bàn đã thành lập mới 2 TCDN là HTXDN kênh N3 Ninh An – Ninh Thọ và HTXDN kênh N4 Ninh An – Ninh Đông.

(ii) Các TCDN mới được thành lập đều dựa trên ranh giới thủy lực. Các TCDN đều có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Các TCDN đều tự chủ về mặt tài chính vì kế hoạch tài chính được xây dựng dựa trên nguồn thu là phí thủy lợi nội đồng. Thành viên ban quản trị và ban kiểm soát được lựa chọn dựa trên bầu cử công khai. Người dân viết đơn tự nguyện xin tham gia vào HTX.

(iii) Tiến độ thành lập/củng cố các TCDN ở các khu mẫu chậm hơn so với dự kiến ban đầu do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dự kiến ban đầu thành lập các TCDN bao gồm cả đào tạo trong thời gian 6 tháng là quá tham vọng. Trong quá trình thực hiện có nhiều thay đổi về chính sách liên quan tới quản lý thủy nông và các TCDN và còn có một bộ phận cán bộ và người dân chưa hiểu về chính sách miễn giảm thủy lợi phí của Chính phủ. Tiến độ thực hiện phần dự án chính chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu. Do ảnh hưởng của trượt giá, nên phạm vi sửa chữa nâng cấp phần kênh cấp 2, cấp 3 giảm đi. Ví dụ như kênh N3 ở khu mẫu TDA Đá Bàn chỉ có thể kiên cố hóa được 26% và kênh N4 chỉ kiên cố hóa được 61% so với dự kiến ban đầu. Vì vậy, rất khó vận động người dân tham gia vào TCDN.

(iv) Nhờ có nguồn kinh phí từ hoạt động hỗ trợ ban đầu, 4 TCDN bao gồm HTXDN kênh N16 Bình Tú – Bình Chánh và HTXDN kênh N18 Bình Tú - Bình Quý – Hà Lam – Bình Phục (TDA Phú Ninh), HTXDN kênh N3 Ninh An – Ninh Thọ và HTXDN kênh N4 Ninh An - Ninh Đông (TDA Đá Bàn) đã xây dựng được trụ sở mới. Các TCDN này đang đề xuất xây dựng các công trình phụ trợ như xây dựng nhà vệ sinh, tường rào… sử dụng nguồn vốn kế dư phân bổ cho các TDA này. Tất cả các TCDN đã được hỗ trợ một số trang thiết bị như bàn, ghế, máy tính… Việc hỗ trợ xây dựng/sửa chữa trụ sở làm việc và trang thiết bị là các hỗ trợ rất thiết thực cho hoạt động của TCDN đặc biệt là đối với các TCDN mới thành lập.

(v) Các hoạt động nạo vét kênh mương đều do các TCDN tự thực hiện. Do yêu cầu về kỹ thuật đơn giản và địa bàn thực hiện gần khu dân cư, nên quá trình thực hiện diễn ra thuận lợi. Tổng số 134 tuyến kênh với chiều dài là 160.905 m ở khu mẫu TDA Phú Ninh và 36 tuyến kênh với chiều dài 217.925 m ở khu mẫu TDA Đá Bàn đã được nạo vét. Như vậy, tổng số tuyến kênh và chiều dài nạo vét ở khu mẫu 2 TDA tương ứng là 170 và 217.925 m. Tổng khối lượng nạo vét là 22.867 m3. Các đoạn kênh được nạo vét đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật đề ra. Hoạt động này cũng góp phần tạo thu nhập phụ cho thành viên của các TCDN.

(vi) Các hoạt động khuyến nông do người dân đề xuất và vì vậy đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp thực tế của địa phương. Tại khu mẫu TDA Phú Ninh đã tổ chức được 28 lớp tập huấn khuyến nông với tổng số 19.303 lượt người tham gia. Tại khu mẫu TDA Đá Bàn đã tổ chức được 16 lớp tập huấn khuyến nông với 960 người tham gia. Như vậy, cả 2 TDA đã tổ chức được 44 lớp tập huấn khuyến nông với 20.263 lượt người tham gia. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn nên chủ yếu các hoạt động này mới chỉ được thực hiện ở mức độ các lớp tập huấn, chứ chưa làm được các mô hình trình diễn hay tổ chức tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm. Dựa vào kinh nghiệm thu được thông qua việc thực hiện tập huấn khuyến nông vừa qua, các TCDN sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện các hoạt động khuyến nông ở địa phương trong thời gian tới.

(vii) Cần đẩy nhanh tiến độ của phần dự án chính đặc biệt là phần công việc liên quan tới công việc sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh và công trình trên kênh cấp 2 thuộc các khu mẫu của 2 tiểu dự án Phú Ninh và Đá Bàn. Đề nghị các PMU xem xét bổ sung nguồn vốn để đảm bảo sửa chữa nâng cấp các kênh cấp 2 và công trình trên kênh theo như quy mô dự kiến ban đầu nếu có nguồn vốn kết dư.

(viii) Nhìn chung, việc lồng ghép các hoạt động hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ phát triển nông nghiệp vào dự án quản lý tưới có sự tham gia là phù hợp và cần thiết. Việc này đã tạo động lực để các TCDN, đặc biệt là các TCDN mới thành lập có được cơ sở vật chất tối thiểu để bắt đầu hoạt động và các hoạt động hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã đóng góp thiết thực cho việc cải thiện hệ thống kênh mương nội đồng và tăng cường kiến thức về nông nghiệp cho các TCDN. Các hoạt động này góp phần tăng tính bền vững của dự án.

(ix) Trong quá thành lập/củng cố các TCDN, Nhóm tư vấn đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các PMU và chính quyền địa phương và các hỗ trợ kỹ thuật kịp thời của CPIM. Nhóm tư vấn đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các PMU và đặc biệt là chính quyền địa phương trong quá trình chuẩn bị, trình duyệt, và thực hiện các đề xuất hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Up top