Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Nước ô nhiễm ở tòa nhà cao cấp nhất Hà Nội

Ban đại diện chung cư Golden Westlake (151 - Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) ngày 4/8 gửi tới các hộ dân đang sinh sống tại đây kết quả kiểm nghiệm mẫu nước sinh hoạt được Viện Hóa học thực hiện, gây rúng động. Theo đó, Ban đại diện các hộ dân đã tiến hành lấy mẫu nước ở đầu ra của vòi nước thuộc 2 căn hộ nằm ở tòa phía Đông và tòa phía Tây của Golden Westlake và đem gửi đến Phòng hóa Môi trường thuộc Viện Hóa học ngày 21/7/2010. Kết quả kiểm nghiệm được công bố ngày 29/7 kết luận: Hai mẫu nước đều không đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT. Trong đó tại tòa phía Tây, chỉ tiêu kim loại nặng là Mangan (Mn) ở mức 0,53mg/l; độ ôxy hóa ở mức 6mgO2/l; hàm lượng các thông số này ở tòa nhà phía Đông cũng lần lượt là 0,41mg/l và 4mgO2/l. So với tiêu chuẩn Việt Nam cho phép tối đa là 0,3mg/l đối với Mn và 2mgO2/l đối với độ ôxy hóa thì như vậy hàm lượng thực tế của hai thông số đã cao gấp 2-3 lần mức cho phép. Trong thư điện tử gửi các thành viên sinh sống tại Golden Westlake, Ban đại diện chung cư cho rằng, chất lượng nước sinh hoạt không đạt chính là lý do khiến chủ đầu tư là Công ty Hà Việt Tungshing (HVTS) không công bố cho họ kết quả thử nước mà chủ đầu tư đã thực hiện và hứa công khai từ đầu tháng 7. “Chủ đầu tư ban đầu giới thiệu: mỗi căn hộ là một viên đá quý, nào là kim cương, saphirre, ngọc trai, ruby…, người sống ở trong đó được đối xử như những viên đá quý này. Thế mà nước ăn là thứ cơ bản nhất đối với sức khỏe lại không đủ tiêu chuẩn… Nếu cứ dùng nước này thì có bị ung thư không?” – Ban đại diện bức xúc. Về câu hỏi trên, PGS.TS. Lê Văn Cát – Trưởng Phòng Hóa Môi trường, Viện Hóa học trong trao đối với PV.VietNamNet chiều 4/8 cho rằng, so với quy chuẩn Việt Nam đối với hai thông số kể trên, kết quả thực tế là chênh khá cao. Tuy nhiên cho đến hiện tại, chưa có công trình khoa học nào khẳng định hàm lượng Mn và độ ôxy hóa vượt quá mức cho phép sẽ dẫn đến ung thư. Với kim loại nặng là Mn, trong trường hợp gấp nhiều lần mức cho phép, người ta nghi rằng về lâu dài có thể gây nên các bệnh về thần kinh. Song điều này cũng chưa được chứng minh. Còn đối với độ ôxy hóa về bản chất đó được xếp vào loại chất hữu cơ. Muốn biết độc hại hay không lại phải xem xét nó có nguồn gốc từ đâu. Nếu có nguồn gốc từ thuốc trừ sâu thì vô cùng nguy hiểm, nhưng cũng là loại có hàm lượng ôxy hóa cao là chè đỗ đen thì lại không tác hại gì. Về nguồn gốc của nước sinh hoạt nhiễm độc, vị chuyên gia cho rằng, đó không phải là vấn đề của riêng một tòa nhà nào, mà đó là nguy cơ chung của Hà Nội nói riêng khi mà nước của 6/12 nhà máy nước của Hà Nội không đạt tiêu chuẩn. Ước có đến 40% dân số nội thành ăn nước bẩn, có mầm bệnh. Con số này tại khu vực nông thôn nói chung còn cao hơn gấp nhiều lần. PGS.TS. Lê Văn Cát khuyến cáo, người dân có điều kiện nên dùng máy lọc nước than hoạt tính. Như vậy sẽ được nước có độ ôxy hóa bằng 0. Còn muốn giảm hàm lượng Mn về mức cho phép, có thể đến tách lại tại Viện Hóa học – nơi đã có sẵn công nghệ. Đối với việc dùng máy lọc nước than hoạt tính hiện nay, ông Cát cũng lưu ý, người dùng cần có ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Nước đã qua máy lọc chỉ nên dùng để ăn uống với mức trung bình là 3-5 lít/người/ngày, chứ không nên dùng để “lau nhà hay tắm giặt”. Đặc biệt phải thay bộ lọc thường xuyên, đúng quy định, bởi nếu dùng lâu, vi sinh vật sinh sôi nảy nở và phân hủy khiến nước thu được cực kỳ bẩn. Nguyễn Nga
Up top