Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Báo động suy thoái tài nguyên nước ở Kon Tum

Tỉnh Kon Tum có nguồn nước mặt và nước ngầm khá phong phú. Chỉ tính riêng hệ thống sông Sê San, tổng lượng dòng chảy hàng năm đã lên tới 10-11 tỷ m3, lưu vực sông chiếm tới 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh cùng một mạng lưới suối, khe nhỏ dày đặc và phân bố tương đối đồng đều, tạo nên nhiều thác ghềnh... Tuy nhiên, những kết quả quan trắc gần đây cho thấy, nguy cơ suy thoái tài nguyên nước cao. Kết quả phân tích mới đây ở một số điểm nằm trên hệ thống sông suối chính như Đăk Bla, Đăk Pxy, Pôkô... cho thấy, chất lượng nước mặt đã có sự thay đổi so với vài năm về trước. Mẫu phân tích lấy từ sông Đak Bla (điểm gần nhà máy nước) không đạt tiêu chuẩn TCVN 5942-95 về chỉ tiêu BOD5 và Coliform do bị vẩn đục và nhiễm vi sinh; mẫu nước điểm hồ Thủy Tạ bị ô nhiễm vi sinh cao gấp 3,8-5 lần so với tiêu chuẩn. Phần lớn các sông đều có hiện tượng tăng lưu lượng dòng chảy, nước vẩn đục, tỷ lệ cát và phù sa bồi lắng cao. Tài nguyên nước ngầm khá phong phú, phân bố ở độ sâu từ 10-25m, lưu lượng khá cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn tồn tại ở 2 dạng chủ yếu là nước lỗ hổng và nước khe nứt... Tuy nhiên, nước ngầm tầng nông đang bị đe dọa... mẫu nước giếng ở một số xã, phường, thị trấn qua phân tích cho kết quả nhiễm vi sinh và nhiễm phèn; một số giếng ở khu vực sân bay cũ bị nhiễm dầu. Trong khi đó, không ít người cho rằng, ở tỉnh Kon Tum, nơi có tới trên 60% diện tích được che phủ bởi rừng, có nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú thì khó có thể có nguy cơ suy thoái tài nguyên nước. Chính vì nhận thức như vậy nên chưa thể có được sự đánh giá nghiêm túc về nguy cơ suy thoái nguồn tài nguyên quan trọng này, để từ đó có thể xây dựng một kế hoạch hành động kịp thời, hữu hiệu. Hàng năm, ở thị xã Kon Tum, lượng nước thải sinh hoạt chiếm tới trên 80% lượng nước thải đô thị, tương đương gần 3.000m3/ngày. Nhưng lượng nước thải thu gom được lại rất thấp, chưa tới 30%, chủ yếu là thoát ra nước mặt dưới hình thức chảy tràn tự do. Ngay cả lượng nước thải được thu gom cũng chưa qua xử lý mà thải trực tiếp vào sông, suối; chưa kể đến tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thực phẩm, y tế, thương mại cũng thải trực tiếp ra môi trường... Việc sử dụng hóa chất tùy tiện trong sản xuất nông nghiệp cũng đã ở mức báo động. Theo tính toán, lượng phân bón vô cơ sử dụng trung bình hàng năm khoảng 450-500kg/ha; lượng hóa chất bảo vệ thực vật ở vào mức 18-21kg/ha; lượng thuốc trừ sâu được sử dụng dao động bình quân 50-70 tấn/năm... cao quá mức khuyến cáo từ 3-5 lần/vụ. Theo các chuyên gia về môi trường, trước hết cần tính đến việc triển khai chủ trương xã hội hóa công tác chống nguy cơ suy thoái tài nguyên nước. Về phía tỉnh, cần có kế hoạch tận dụng tối đa năng lực sản xuất trên diện tích đất "quy hoạch" trồng các loại cây trong mùa mưa; tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi... Sở TN&MT cần quan tâm và đầu tư hơn cho công tác quản lý tài nguyên nước - vốn bị buông lỏng lâu nay. Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và vùng lãnh thổ; thiết lập các trạm quan trắc để theo dõi diễn biến chất lượng và các vấn đề có liên quan đến tài nguyên nước... Và cũng không thể thiếu một hành lang pháp lý, những chế tài "mạnh" đối với những hành vi gây tác động xấu đến tài nguyên nước... Vũ Tuấn
Up top