Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Nhãn hiệu tập thể giúp miến dong Bắc Kạn phát triển bền vững

(Mard-31/10/2012): Tỉnh Bắc Kạn vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho miến dong Bắc Kạn. Đây là việc làm cần thiết đối với một sản phẩm hàng hóa đặc biệt của tỉnh Bắc Kạn, qua đó bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống của người dân miền núi Bắc Kạn. * Giúp dân yên tâm sản xuất Bắc Kạn có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển cây dong riềng, đặc biệt ở các huyện Na Rì và Ba Bể đã có truyền thống trồng dong riềng từ hàng trăm năm nay với giống dong riềng địa phương. Lúc đầu chỉ là trồng tự phát, mang tính tự cung, tự cấp, sau đó loại cây trồng này cho thu nhập cao, lại được sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, diện tích trồng dong riềng tăng nhiều trong những năm gần đây. Số cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng lên, miến dong Bắc Kạn đã trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị cao được người tiêu dùng ưa chuộng, do miến có chất lượng, màu sắc, hương thơm đặc trưng. Miến dong bây giờ không chỉ được sản xuất ở Na Rì - huyện đầu tiên có những cơ sở sản xuất thủ công, quy mô nhỏ, mà ở tất cả các huyện với các cơ sở sản xuất quy mô, công suất lớn hơn, tùy vào diện tích trồng dong riềng của từng huyện. Ông Cao Văn Khang, Giám đốc Công ty Hoàng Giang cho biết: Để đảm bảo bao tiêu hết củ dong riềng cho người dân, Công ty đã lắp đặt hệ thống chế biến bột lớn nhất với công suất 200 tấn/ngày. Ngoài việc lắp đặt hệ thống sản xuất, Công ty cũng đã tổ chức ký hợp đồng bao tiêu dong riềng củ và đặt các điểm thu mua thuận tiện cho người dân. Theo ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Việc lập các cơ sở chế biến là rất cần thiết, giúp người dân tin tưởng sản phẩm dong riềng củ sẽ được tiêu thụ hết và không bị ép giá. Tỉnh đã có nhiều khảo sát đánh giá năng suất dong riềng ở tất cả các huyện, căn cứ vào tổng sản lượng để thành lập các cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ hết dong riềng nguyên liệu. Tuy nhiên, để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo uy tín, thương hiệu sản phẩm, thì việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn là rất cần thiết. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ lập dự án x ây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Miến dong Bắc Kạn là một đặc sản, có giá trị kinh tế cao, có uy tín trên thị trường và được khách hàng ưa chuộng. Trong một thời gian dài, do chưa được đăng ký thương hiệu nên trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại miến dong chất lượng kém nhưng cũng lấy tên miến dong Bắc Kạn, trong đó miến dong Na Rì bị nhái nhiều nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, chất lượng và lợi ích kinh tế của người trồng, sản xuất miến dong nói riêng, lợi ích người tiêu dùng nói chung, đặc biệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn giúp chính quyền cũng như nhân dân địa phương mở rộng diện tích, quy mô sản suất, nâng cao chất lượng… đóng góp hơn nữa vào việc cải thiện thu nhập của người dân một cách bền vững. * Cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương Địa hình Bắc Kạn chủ yếu là đồi núi, với nhiều núi đá vôi, thung lũng hẹp, thích hợp cho cây dong riềng phát triển. Cây dong riềng đã mọc tự nhiên và được khai thác lâu đời tại các địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp là chính, nên nghề làm miến không phát triển. Nghề làm miến dong xuất hiện ở Na Rì từ những năm 80 của thế kỷ trước, ban đầu chỉ là món ăn phục vụ trong phạm vi thôn bản, và cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Qua thời gian, miến dong Na Rì trở thành hàng hóa có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng vì chất lượng đặc biệt. Miến dong Bắc Kạn được sản xuất ở hai địa phương chính là Na Rì và Ba Bể bằng tinh bột dong nguyên chất, sợi miến dong thành phẩm của hai địa phương cũng có màu khác nhau, nhưng đều hơi xám. Đây là màu nhựa của củ dong vì người dân nơi đây không dùng hóa chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm, nên trông sợi miến không bắt mắt như những sản phẩm miến trắng khác; sợi miến dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong, sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn. Miến dong có thể ăn được quanh năm, chế biến với nhiều loại thức ăn như thịt nạc, lòng gà, thịt ngan, làm nhân bánh bao... Dong riềng là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng giúp nhân dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập tục canh tác của địa phương, nên những năm gần đây tỉnh Bắc Kạn đã có chính sách khuyến khích người dân trồng dong riềng, một trong những đột phá về thay đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Song song với việc trồng, chế biến cũng được chú ý thông qua hỗ trợ đầu tư công cho các hợp tác xã, cơ sở chế biến. Năm 2011, toàn tỉnh trồng được được 551 ha, với sản lượng củ đạt gần 40.000 tấn, thì năm 2012 tỉnh đã trồng được 1.841 ha, sản lượng ước đạt gần 130.000 tấn củ dong riềng. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Kạn: Năm 2011, toàn tỉnh có 22 cơ sở chế biến tinh bột và 26 cơ sở chế biến miến dong. Năm 2012, toàn tỉnh có 92 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột và miến dong, trong đó đã có 86 cơ sở sản xuất tinh bột, 7 cơ sở vừa chế biến tinh bột vừa sản xuất miến dong. Hai huyện Na Rì và Ba Bể, mỗi huyện đều có 41 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột và miến dong. Việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ cây nông nghiệp và các ngành nghề thủ công truyền thống, đồng thời tạo công cụ pháp lý để nhà sản xuất, kinh doanh chống lại các hành vi giả mạo nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, bản thân các nhà sản xuất cũng phải tự hoàn thiện và bảo đảm quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồng nhất theo quy chế sử dụng chung, để có thể đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng ổn định, nguồn gốc rõ ràng./. (TTXVN)
Up top