Thời quan qua, thị trường xuất khẩu rau quả có xu hướng phát triển nhanh. Cả nước hiện có trên 1,4 triệu ha diện tích trồng rau, quả, cho thu hoạch trên 6,5 triệu tấn trái cây; 9,6 triệu tấn rau. Hội nhập đang tạo điều kiện mở rộng thị trường và phát triển sản xuất. Hiện nay, rau quả Việt Nam đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu không ổn định, năm lên, năm xuống, tăng trưởng chậm. Kim ngạch 5 năm 2001-2005 chỉ đạt 1.096 triệu USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng 1,9%/năm, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu cũng trong thời kỳ đó tăng 17,5%/năm. Năm 2006, xuất khẩu rau, quả không đạt kế hoạch, kim ngạch chỉ đạt 263 triệu USD, chiếm 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam, 1991-2006 (triệu USD)
Nguồn: MARD
Các thị trường nhiều triển vọng
Thông thường, xuất khẩu các loại nông sản chế biến được coi là có lợi hơn cho quốc gia so với nông sản chưa chế biến vì nó làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và lợi nhuận xuất khẩu. Thị trường rau quả thì lại khác, xuất khẩu rau quả tươi cũng mang lại lợi nhuận cao.Ví dụ như xuất khẩu rau quả sang thị trường Đài Loan - một thị trường tiềm năng với thị hiếu tương đối đa dạng và không đòi hỏi quá cao về chất lượng, và đang được đánh giá là thị trường có nhiều thuận lợi, với các mặt hàng chủ yếu như cải bắp, dưa chuột, cà chua, nấm, chuối, thanh long, vải và xoài. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan năm 2005, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt xấp xỉ 30 triệu USD, tăng gần 9 triệu USD so với năm 2004, và luôn giữ ở mức cao trong năm 2006 và hai tháng đầu năm 2007. Hiện nay, Đài Loan là thị trường trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và Đông Á.
Các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, do sắp bước vào mùa hè nên nhu cầu nhập khẩu về các loại quả nhiệt đới của Việt Nam đang tăng cao. Tại thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), do tác động của các yếu tố như sự thay đổi cơ cấu dân số, thị hiếu tiêu dùng và thu nhập dân cư…tiêu thụ nhiều loại rau sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2000-2010, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Theo USDA, nhu cầu các loại rau xanh sẽ tăng khoảng 22-23%. Giá rau tươi các loại sẽ tiếp tục tăng cùng với tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu nhập khẩu rau dự báo sẽ tăng khoảng 1,8%/năm. Nhu cầu về quả cũng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dự báo với tốc độ tăng trưởng 8%.
Hình 2: Thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam năm 2006
Nguồn: http://www.rauhoaquavietnam.vn
Bên cạnh những triển vọng, Việt Nam gia nhập WTO, một thị trường xuất nhập khẩu nông sản thế giới đã được tổ chức chặt chẽ, phần lớn do các hệ thống siêu thị đa quốc gia khống chế, nên xuất khẩu rau quả của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức mới. Vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả phải tính đến những giải pháp nào?
Chứng chỉ xác nhận nguồn gốc
Một trong các giải pháp đầu tiên và quan trọng là giống cây phải có chứng chỉ xác nhận nguồn gốc và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ chu trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices). Có nguyên liệu đầu vào sạch rồi thì phải tổ chức bảo quản, sơ chế với yêu cầu hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm, đúng quy cách, mẫu mã. Số lượng tới mức đủ để đáp ứng các đơn hàng lớn, dài hạn, chính xác về thời gian giao hàng. Giá cả hợp lý để tăng sức cạnh tranh. Tất cả những yêu cầu đó liên kết thành một mạch từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.
Hỗ trợ của Nhà nước
Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, tín dụng, chuyển dịch đất đai, khuyến nông. Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải phát huy được nguồn lực từ các thành phần kinh tế để có các cơ sở với thiết bị chuyên dùng tiên tiến sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trong mọi điều kiện tự nhiên vẫn giữ được nguyên chất.
Nghiên cứu và phát triển
Tăng cường nghiên cứu thị trường, tiếp cận hệ thống siêu thị của thị trường nước ngoài, trong đó liên kết với việt kiều làm cầu nối. Đàm phán ký các hiệp định song phương về kiểm dịch động, thực vật, và công nhận lẫn nhau về các cơ sở kiểm tra, cấp giấy chứng nhận về chất lượng cho rau, quả xuất khẩu của Việt Nam. Tổ chức hội chợ triển lãm chuyên đề về rau quả. Mời các nhà nhập khẩu rau quả vào quan sát các cơ sở chế biến tìm hiểu về nguồn nguyên liệu đầu vào, quy trình tác nghiệp và sản phẩm đầu ra, tạo tín nhiệm tiến tới ký các hợp đồng và biên bản ghi nhớ.