Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Sáu tháng cuối năm 2007: Phấn đấu quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng GDP 9%.

Trong hai ngày 2-3/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6/2007, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm. Các thành viên Chính phủ đều nhất trí: Cần phấn đấu để 6 tháng cuối năm đạt tốc độ tăng GDP 9%, để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, tăng GDP 8,5% trong năm 2007.

Điều hành quyết liệt, với trách nhiệm cao

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Đoàn Mạnh Giao báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2007 của Chính phủ; báo cáo công tác cải cách hành chính của Chính phủ do VPCP thực hiện và giải quyết những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển báo cáo tình hình thị trường trong nước, công tác xuất, nhập khẩu. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo tình hình thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2007. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung báo cáo về công tác cải cách hành chính. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2007.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2007 đạt 7,87% (mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai cùng với sự nỗ lực, cố gắng cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đã điều hành quyết liệt triển khai sớm kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007, triển khai mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những vấn đề đột xuất, nhạy cảm trong đời sống, kinh tế, xã hội như chủ động chống hạn, chống dịch, bệnh, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu điện… Công tác cải cách hành, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm cũng là những nhiệm vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đồng bộ, khẩn trương. Bước đầu, Thủ tướng Chính phủ đã giải thể một số tổ chức không cần thiết, sáp nhập một số cơ quan thuộc Chính phủ vào cơ cấu của các Bộ, phân cấp mạnh hơn cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc xử lý kết luận thanh tra đối với một số đơn vị, dự án lớn; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực do báo chí và nhân dân phản ánh.

6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng thể chế. Tính đến ngày 30/6, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã xử lý, ban hành 1852 văn bản các loại, gồm 32 Nghị quyết, 112 Nghị định, 93 Quyết định, 16 Chỉ thị, 780 Quyết định cá biệt, 797 công văn hành chính.

Trong công tác bảo đảm thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, chỉ đạo Website Chính phủ bảo đảm thông tin chính xác, công khai minh bạch các hoạt động, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ; thông tin kịp thời, đầy đủ, chính thống cho mọi tầng lớp nhân dân về các sự kiện trọng đại của đất nước. Website Chính phủ đã phát huy tốt vai trò là cơ quan thông tin của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bên cạnh những ưu điểm đã nêu, còn một số hạn chế cần sớm rút kinh nghiệm và khắc phục.

Thứ nhất là việc chấp hành Quy chế làm việc của Chính phủ chưa được duy trì tốt, kỷ luật hành chính chưa nghiêm, điển hình là việc xây dựng chương trình công tác chậm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Việc phối hợp soạn thảo lấy ý kiến liên quan đến văn bản dự thảo chưa tốt. Nhiều cơ quan nhận được công văn đề nghị phối hợp, nhưng không trả lời, trả lời chậm hoặc trả lời mang tính hình thức, chiếu lệ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chưa kịp thời. Tính đến ngày 29/6/2007, còn 47 văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng chưa được ban hành.

Thứ hai là công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng thực hành tiết kiệm và chống lãng phí ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, hiệu quả chưa rõ rệt; công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch cúm H5N1 ở người, quản lý cáp quang trên biển còn bất cập.

Nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm

Đánh giá công tác 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Công tác điều hành của các thành viên Chính phủ đã đem lại nhiều thành quả quan trọng, tình hình chính trị - xã hội của đất nước tiếp tục ổn định, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng GDP cao (7,8%), đầu tư nước ngoài đạt những bước tiến đáng kể, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết, cải cách hành chính đã có tiến bộ bước đầu, phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực và đem lại những kết quả rõ rệt…

Tuy nhiên để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5% trong năm 2007 như mục tiêu Chính phủ đề ra thì trong 6 tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt 9%. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực lớn lao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn của các thành viên Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ: Phải đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trước mắt là dịch cúm gia cầm. “Phải tính toán căn cơ, cân nhắc, xem xét kỹ việc chăn nuôi thủy cầm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các tỉnh phía Bắc chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ mùa tới; lên phương án quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế và xây dựng chính sách để người dân được giao rừng có thể sống bằng nghề rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, khuyến khích đồng bào chăn nuôi dê, bò trong rừng. Thủ tướng cũng nhắc các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng chống bão lụt, thường xuyên củng cố, tu bổ, bảo vệ an toàn các tuyến đê, hồ chứa nước.

Bộ Tài chính phối hợp với UBND các tỉnh khẩn trương xem xét lại toàn bộ các lệ phí mà nông dân phải đóng góp, loại nào không hợp lý thì bãi bỏ, với tinh thần giảm tối đa sự đóng góp, không vượt quá mức chịu đựng của nông dân.

Khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển các ngành công nghiệp đang có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh các ngành dịch vụ, là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển, như bưu chính viễn thông, du lịch, kiểm toán, tư vấn, xuất khẩu lao động, tập trung đảm bảo đủ điện cho sản xuất, …

Nhằm giảm nhập siêu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thương mại đề ra các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Tài chính, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành bảo đảm cân đối kinh tế vĩ mô; thực hiện kiểm soát thị trường, giá cả, hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống, bảo đảm tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc như ngăn chặn dịch bệnh, phòng chống dịch cúm gia cầm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giải quyết việc làm; tổ chức nghiêm túc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng; tích cực kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông…

Về công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, Thủ tướng yêu cầu: Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, công khai quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, nhất là đối với việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh công tác điều tra các vụ án trọng điểm, xử lý đúng người, đúng tội, theo đúng pháp luật.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng xem xét, thảo luận Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về điều chỉnh một số nội dung chính sách bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 và giá cho thuê đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước chưa được cải tạo, xây dựng lại; Dự án Luật về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức

Nguồn tin: IPSARD
Up top