Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Tích tụ đất lâm nghiệp cho trồng rừng sản xuất: Hiện trạng và Giải pháp

Ngày 6 tháng 12 năm 2007, Viện Chính Sách Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông thôn, Cục Lâm Nghiệp, văn phòng Đối tác Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp (FSSP) và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) đã tổ chức thành công hội thảo Quốc gia về Tích tụ đất lâm nghiệp cho trồng rừng sản xuất: Hiện trạng và Giải pháp.  

Đến dự hội thảo có sự hiện diện của gần 100 đại biểu đến từ văn phòng TW Đảng, Quốc hội, văn Phòng Chính Phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và các Vụ của Bộ NN&PTNT, các Viện nghiên cứu; Đại diện 8 tỉnh/thành và các tổ chức quốc tế và đại diện của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản.

Với mục đích đánh giá thực trạng và các giải pháp cho vấn đề tập trung đất cho trồng rừng sản xuất, Hội thảo đã nghe 10 báo cáo tham luận của cơ quan Quản lý, Viện nghiên cứu và các Doanh nghiệp tập trung vào các chủ đề như thực trạng chính sách giao đất, giao rừng; thực trạng mua bán, chuyển nhượng và cho thuê đất; lý luận và thực tiễn về tích tụ đất đai, đặc thù của tích tụ đất lâm nghiệp và chứng chỉ rừng và các báo cáo điển hình của các địa phương và doanh nghiệp về các hình thức liên doanh-liên kết để tích tụ đất đai cho trồng rừng kinh tế.

Về thực trạng, từ các báo cáo của Cục Kiểm Lâm và Viện Chiến lược toát lên một nhận định chung là hiện nay, sau 15 năm thực hiện chủ trương giao đất giao rừng, nhà nước đã giao 8,1 triệu ha đến tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong số 3,1 triệu ha đã giao cho hộ gia đình, chỉ có 20-30% diện tích được sử dụng đúng mục đích, có nghĩa là 70% còn lại (2,1 triệu ha) chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Địa chỉ thứ hai đang nắm giữ khá nhiều đất là các Lâm trường quốc doanh (khoảng 3 triệu ha) và địa phương (1,9 triệu ha). Nhận định chung khá đồng thuận tại hội thảo là Lâm trường không đủ khả năng quản lý còn địa phương thì thừa nhận đất chưa giao là trong tình trạng vô chủ.

Về tích tụ đất thì thực trạng cho thấy tích tụ đất đang xảy ra. Tình hình mua bán, chuyển nhượng, cho thuê đang ngày càng tăng lên. Nhưng tranh chấp và khiếu kiện đặc biệt là khiếu kiện vượt cấp đang tăng lên rõ rệt, chứng tỏ người dân ngày càng quan tâm đến đất lâm nghiệp.

Tại hội thảo, một số mô hình tích tụ đất thông qua liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với dân như của tập đoàn Trường Thành, VIJACHIP đã được đánh giá cao tại hội thảo.

Buổi chiều, hội thảo tập trung thảo luận về giải pháp tích tụ đất và điểm mạnh cũng như điểm yếu của từng giải pháp để giúp Bộ xây dựng những chính sách sau này. Theo đó, có 3 hình thức tập trung-tích tụ đất cho phát triển rừng trồng phổ biến hiện nay là Mua, Thuê và Liên doanh-liên kết giữa các đối tượng dân-dân, dân-doanh nghiệp (tư nhân và FDI) doanh nghiệp (LT)-doanh nghiệp. Điểm nổi bật trong hình thức mua là dễ gây ra tình trạng mất đất của dân. Đối với hình thức liên doanh-liên kết thì điều khó khăn là dung hoà được quyền lợi của các bên về xác định mục đích kinh doanh vì hộ gia đình muốn cái lợi ngắn hạn trong khi doanh nghiệp muốn có cái lợi dài hơi hơn. Một điểm yếu của hình thức này là hiện nay doanh nghiệp FDI chưa được phép thuê đất của dân. Nhưng thực tế là đã có một số địa phương đã phá rào.

Sau một ngày trao đổi và thảo luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- Hứa Đức Nhị đã tổng kết Hội thảo như sau:

Về thực trạng giao đất cho dân quả thật là có vấn đề. Sắp tới cần phải có đánh giá, tổng kết sơ bộ để có những giải pháp kịp thời cũng như nắm bắt nguyện vọng của dân để làm sao cho 70% diện tích còn lại trong dân phải thành rừng, đồng thời rút bài học cho việc giao tiếp 1.96 triệu ha đang nằm trong tay của địa phương. Đặc biệt là phải có thái độ cương quyết với hơn 3 triệu ha đất đang lãng phí nằm trong tay của 355 lâm trường.

Dù muốn dù không thì tích tụ đất đai đang xảy ra và từ lý luận và thực tiễn thì tích tụ đất đai là xu hướng tất yếu.Trong lâm nghiệp, tích tụ đất đai còn ý nghĩa ở chỗ nó là điều kiện cần để được cấp chứng chỉ rừng. Tuy nhiên tích tụ đất đai phải xảy ra ở đâu, khi nào để tránh tình trạng mất đất và bất ổn xã hội (như đã xảy ra ở Tây Nguyên). Tích tụ đất đai phải tính đến địa hình địa mạo, quy mô sản xuất và năng lực đầu tư quản lý của chủ sử dụng để đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính liên tục về thời gian trong kinh doanh. Phải để ý là không phải nơi nào doanh nghiệp cũng đến được với dân, nên hình thức liên kết giữa dân và dân phải chú ý ưu tiên. Các địa phương và cơ quan phải sớm xây dựng, tổng kết các mô hình (nếu có) để Bộ có những giải pháp kịp thời cải thiện hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp cho dân và đất đã giao nói chung.

Các doanh nghiệp nên mạnh dạn vào cuộc, vận dụng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và Bộ sẽ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và cùng tháo gỡ.

Đây là hội thảo tối quan trọng. Sẽ báo cáo lại với Bộ và đồng thời sắp tới các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Nhị tin rằng vấn đề này đang manh nha và sẽ có lối thoát nhất định cho ngành.

Liên hệ với người đăng tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn

Đinh Hữu Hoàng (Bộ môn Tài nguyên Môi trường/Ipsard)
Up top