Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

2008, xuất khẩu vào EU có thể đạt hơn 10 tỷ USD

Theo Bộ Công Thương, thông qua việc khai thác triệt để các thị trường trọng điểm có kim ngạch lớn gồm Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới của EU, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2008 có thể sẽ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 23,5% so với năm 2007.

Trong năm 2008, EU sẽ bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc. Theo nhận định của Bộ Công Thương, việc này sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường EU. Bởi Việt Nam và các nước dệt may khác sẽ phải cạnh tranh gay gắt với ngành may Trung Quốc - vốn là quốc gia có ngành công nghiệp dệt may cạnh tranh cao do chủ động được nguyên phụ liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hoá.

Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt 1,65 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2007. Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng liên quan là cần nghiên cứu kỹ tác động của thị trường EU khi Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch dệt may để giúp các doanh nghiệp định hướng mặt hàng và nước xuất khẩu mà hàng dệt may có khả năng cạnh tranh cao.

Hiện nay, EU là thị trường nhập khẩu giày dép của Việt Nam lớn thứ 2 trên thế giới (sau Hoa Kỳ) và được coi là thị trường trọng điểm của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu giày dép những năm gần đây của thị trường EU khoảng trên 29 tỷ USD/năm. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng khá nhanh trong thời gian qua và đạt 2,1 tỷ USD trong năm 2007, tăng 8% so với năm 2006 và chiếm 7,2% kim ngạch nhập khẩu của khu vực này.

Nhìn chung, giày dép Việt Nam xuất khẩu vào EU tăng trưởng nhanh về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, 33 mã hàng giày thể thao và giày mũ da bị áp thuế chống bán phá giá, các chủng loại khác vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan của EU và không bị hạn chế về số lượng.

Tuy đạt được tốc độ tăng trưởng khá nhưng nhìn chung, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như nhiều nguyên liệu đầu vào của ngành da giày phải nhập khẩu từ bên ngoài, khâu tiêu thụ còn phụ thuộc lớn vào đối tác trong liên doanh, khâu nghiên cứu thị hiếu thị trường, thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới còn yếu. Mục tiêu dự kiến của mặt hàng giày dép năm 2008 đối với thị trường EU là đạt kim ngạch 2,7 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2007.

Với mặt hàng cà phê, EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong xuất khẩu mặt hàng này. Kim ngạch xuất khẩu vào EU năm 2008 dự kiến đạt 820 triệu USD, giảm nhẹ so với năm 2007 do sản lượng sản xuất trong nước giảm.

Trên thế giới, thị trường EU đang tiêu thụ thuỷ sản rất lớn, hàng năm kim ngạch nhập khẩu khoảng 34 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào EU năm 2007 đạt 920 triệu USD, tăng 27% so với năm 2006. Dự kiến xuất khẩu năm 2008 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2007.

Sản phẩm gỗ được nhận định là mặt hàng có tiềm năng phát triển do EU là thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất thế giới. Nhìn chung, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có tiến bộ đáng kể, có thể đáp ứng được yêu cầu tương đối khắt khe của khách hàng EU về chất lượng và quy cách.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào EU năm 2007 đạt khoảng 600 triệu USD. Đồ gỗ của Việt Nam đã thâm nhập được vào hầu hết các nước EU, trong đó những nước nhập khẩu chính là Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch. Mục tiêu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 780 triệu USD, tăng 30% so với năm 2007.

Để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD vào thị trường EU trong năm 2008, Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ rõ, bên cạnh những mặt hàng đã có chỗ đứng trên thị trường như dệt may, giày dép, nông thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ..., cần phát triển các mặt hàng mới, có triển vọng tăng kim ngạch như sản phẩm cơ khí, chế tạo (gia công), linh kiện vi tính và điện tử.

Chẳng hạn như sản phẩm nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu thế giới nói chung và nhu cầu của thị trường EU nói riêng về mặt hàng này rất cao, nếu có thể giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào, mẫu mã sản phẩm cũng như đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Vụ Xuất nhập khẩu cho biết, trong năm 2008, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh khai thác các thị trường nhập khẩu chủ yếu sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Đài Loan... cần tiếp cận tới thị trường các nước thành viên mới của EU như Lithuania, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Estonia.

Liên hệ với người đăng tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn

Theo Vneconomy

Up top