Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Ethanol & Mía đường: Thế song hành chiến lược của Brazil

Niên vụ 2007- 2008 sản lượng đường thế giới đạt khoảng 169 triệu tấn. Theo dự báo từ Tổ chức Đường Thế giới, mức cung sẽ vượt cầu khoảng 10,8 triệu tấn, giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm. Ấn Độ sẽ vượt Brazil (32,85 triệu tấn), trở thành nước có sản lượng đường lớn nhất thế giới với 33 triệu tấn. Trong lúc mía đường Việt Nam còn đang khó khăn trăm bề,, Brazil nhường bước cho Ấn Độ qua mặt trở thành nước sản xuất đường đứng đầu thế giới, và dễ dàng “thoát hiem” nhờ chính sách ưu tiên sản xuất Ethanol hơn so với đường trong năm 2007 và tiếp tục đến niên vụ tới. Nhu cầu ethanol đang tăng mạnh do giá thấp hơn so với giá xăng và sự gia tăng số lượng ô tô sử dụng nhiên liệu tổng hợp ethanol.


Ngành mía đường Việt Nam đã qua cơn bĩ cực nhưng vẫn còn khó khăn

Theo Bộ NN-PTNT, liên tiếp trong 3 năm 2004 - 2006, các nhà máy đường sản xuất có lãi. Được vậy là nhờ Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp, xóa nợ, cổ phần hóa, tổ chức lại sản xuất hiệu quả. Các nhà máy chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đến nay đạt khoảng 300.000ha, bằng chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2010. Nâng công suất hoạt động, giảm giá thành sản phẩm. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định: “Tính trung bình mỗi nhà máy công suất từ 1.000 - 1.500 tấn/ngày và có đủ nguyên liệu hoạt động, thu lãi 10 - 15 tỷ đồng/năm; cá biệt có nhà máy lãi tới 30 tỷ đồng trở lên. Đưa doanh số ngành mía đường trong năm qua đạt gần 10.000 tỷ đồng”. Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, tới đây bộ không chủ trương xây nhà máy mới mà tập trung nâng cao về giống, kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng cơ giới hóa để tăng nhanh năng suất và chất lượng mía. Đến năm 2010, sản xuất đạt 1,4 triệu tấn đường, nâng năng suất mía bình quân lên 65 tấn/ha.

Tuy nhiên, nhiều nơi phát triển vùng nguyên liệu tự do không theo quy hoạch, lúc mía giá cao thì trồng ào ạt - rớt giá thì đốn bỏ, gây khó khăn cho nhà máy lẫn công tác quản lý. Việc chuyển đổi giống mới quá chậm, thiếu đầu tư. Vấn đề thu mua còn trục trặc, chưa gắn bó trách nhiệm giữa nhà máy và nông dân hoặc giữa các nhà máy với nhau trong vùng nguyên liệu.


Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng thừa nhận: “Vụ rồi cả tỉnh có tới 1 triệu tấn mía, nhưng nhà máy chạy hết công suất chỉ tiêu thụ được 460.000 tấn, 540.000 tấn còn lại người dân tự bán bên ngoài gây thiệt hại không nhỏ”. Theo ông Châu, vụ này, Nhà máy đường Sóc Trăng nâng giá bao tiêu lên 350 đồng/kg tại ruộng (mía 10 chữ đường). Tuy nhiên, khó thu mua hết vào thời điểm thu hoạch rộ, do đó cần các nhà máy lân cận tiếp sức.

Theo kế hoạch, niên vụ 2007- 2008, các nhà máy sản xuất đường trên cả nước đạt 1,4 triệu tấn đường. Nhưng theo các nhà chuyên môn, khó có khả năng đạt được con số trên, thậm chí còn có thể giảm đáng kể.

Hiện nay người trồng mía không còn mặn mà với cây mía do năng suất thấp, thu nhập kém hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Nguồn thu từ 1 ha mía chỉ khoảng 20 triệu đồng, còn trồng mì thu nhập lên đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, đường nhập lậu từ Thái Lan và Trung Quốc tràn lan với ưu thế giá cạnh tranh càng gây khó khăn hơn cho người trồng mía.

Brazil lùi bước “chiến lược”

Niên vụ 2007/08, sản lượng đường Ấn Độ có thể sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn đến 28,5 triệu tấn, thấp hơn chút ít so với 30 triệu tấn dự báo trước đây, do mưa muộn ở tỉnh trồng mía chính, Maharashtra. Lượng đường dư thừa của nước này vào cuối niên vụ dự kiến sẽ lên tới trên 15 triệu tấn, so với 7 triệu tấn niên vụ 2006/07. Tổ chức Đường Quốc tế dự báo Ấn Độ sẽ vượt Braxin trở thành nước sản xuất đường lớn nhất thế giới vào niên vụ 2007/08, bắt đầu từ ngày 1/10.

Theo người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất đường và ethanol Braxin( Alcopar), ông Silva Dias, sản lượng mía niên vụ 2007/08 của Parana, bang sản xuất đường lớn thứ 2 Braxin niên vụ này đạt khoảng 42,8 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, nhờ điều kiện thời tiết tốt. Các nhà máy sản xuất đường và ethanol ở bang Parana cho biết, khối lượng mía đưa vào sản xuất sẽ giảm xuống còn 2,5 triệu tấn vào năm 2008, so với mức 3 triệu tấn của cùng kỳ năm trước. Braxin đang tăng cường sản xuất ethanol và giảm tỷ lệ mía dùng trong sản xuất đường, do nhu cầu nhiên liệu sinh học nội địa đang tăng cao đã đẩy giá tăng.



Nguồn: http://global.lexisnexis.com/us

Tính đến thời điểm 15/11 các nhà máy ở Parana đã đưa vào ép khoảng 35,8 triệu tấn mía, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà máy đường ở Parana kỳ vọng sẽ sản xuất khoảng 1,78 tỷ lít ethanol trong niên vụ này, so với mức 1,32 tỷ lít của niên vụ 2006/07. Sản lượng đường ước tính khoảng 2,54 triệu tấn, tăng 2,18 triệu tấn của năm ngoái. Dự báo, niên vụ 2008/09, sản lượng mía khu vực Trung- Nam Braxin sẽ đạt mức kỷ lục 468 triệu tấn, tăng 13% so với mức 415 triệu tấn của niên vụ 2007/08, trong đó lượng mía dành cho sản xuất ethanol niên vụ 2008/09 sẽ có khoảng 58% so với 55% niên vụ 2207/08. Sản lượng ethanol cũng sẽ tăng 14,3% lên mức 21,9 tỷ lít.

Liên hệ với người đăng tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn

Hoàng Ngân - Lan Phương (www. agro.gov.vn)
Up top