Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Xây dựng mô hình thủy lực trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn: Công cụ phòng chống lũ hữu hiệu cho Quảng Nam

Ngày 20/7, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi và Viện Địa lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình thủy lực trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn tỉnh Quảng Nam". Đến dự buổi Hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; Đại diện Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh trong khu vực miền Trung; các cán bộ, chuyên gia nhóm tư vấn và thực hiện dự án; các cán bộ làm công tác PCLB của tỉnh. Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Tuấn Minh - Phó Giám đốc Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Dự án Quản lý rủi ro thiên tai với sự tài trợ của Hiệp hội quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Phát triển xã hội của Chính phủ Nhật Bản, Chương trìnhĩxây dựng năng lực chính sách phát triển nguồn nhân lực Đại sứ quán Hà Lan, Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật (TANDRM) của Chính phủ Úc được triển khai tại Việt Nam thông qua Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) thuộc Bộ NN&PTNT được tiến hành thực hiện tại 12 tỉnh thường xuyên bị lũ lụt, trong đó Quảng Nam là một trong ba tỉnh miền Trung Việt Nam được chọn làm thí điểm. Đến nay sau một thời gian nghiên cứu, tại Quảng Nam ¾ hợp phần chính của Dự án cơ bản đã hoàn thành. Trong đó, hợp phần lập kế hoạch rủi ro thiên tai và mô hình thủy lực sông Vu Gia- Thu Bồn được sự hỗ trợ của các đơn vị có liên quan và các Sở, ngành địa phương. Đây là nội dung có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ, chỉ đạo PCLB, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, để Dự án phát huy cao nhất hiệu quả, theo ông Cao Tuấn Minh thì đòi hỏi cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn nữa của các bên có liên quan và các Sở, ngành của tỉnh, đặc biệt là của nhóm tư vấn, thiết kế Dự án và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ PCLB của tỉnh. Riêng tỉnh Quảng Nam, cần nhanh chóng nắm bắt các nội dung phần mềm để áp dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục triển khai, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư về PCLB, giảm nhẹ thiên tai cho Quảng Nam. Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo PCLB tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng mô hình thủy lực trên lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn (còn gọi là bản đồ ngập lụt) là việc làm hết sức cần thiết đối với Quảng Nam. Bởi đây là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác chỉ đạo các nhà quản lý, các cán bộ làm công tác PCLB khi trên địa bàn tỉnh xảy ra bão, lũ. Theo ông Tiến, kết quả mô hình sẽ giúp cho công tác dự báo, cảnh báo sớm tình hình ngập lụt, mức độ ngập sâu tương ứng với các lượng mưa khác nhau trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn, qua đó giúp cho người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, ông Tiến cũng khẳng định: Với các kịch bản của mô hình nêu ra, sẽ bổ trợ cho công tác xây dựng quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương; việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các công trình phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn có hiệu quả cao hơn. Theo ông Ian Wood - Chuyên gia của KBR (đại diện Công ty tư vấn cho WB), ngoài các mục tiêu cơ bản của mô hình thủy lực trên sông Vu Gia - Thu Bồn là tạo ra công cụ giúp cho công tác quy hoạch, quản lý phòng chống lụt bão tại vùng đồng bằng dễ ngập lụt của tỉnh; giúp cho công tác dự báo và cảnh bảo thuận lợi hơn và hiệu quả cao hơn; giúp nâng cao năng lực quản lỹ lũ về lâu dài cho cán bộ của địa phương... thì việc đào tạo đội ngũ cán bộ đảm bảo tiếp nhận, quản lý và áp dụng các phần mềm của Dự án đang được các bên quan tâm, xúc tiến. Bởi đây là mục tiêu cao nhất và bền vững nhất mà Dự án phải hướng đến. Theo TS Vũ Thị Thu Lan - Đại diện nhóm tư vấn (Viện Địa lý), trong 5 năm gần đây (từ 2003-2008) thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước tính trung bình gần bằng 6,26% tổng GDP và những năm mưa lũ lớn, thiệt hại có thể lên tới 18-20% GDP và thiệt hại về người là vô cùng to lớn. Riêng trận lũ tháng 11/2009 vừa qua, Quảng Nam có 118 người chết và mất tích. Số người chết nhiều là do lũ quá lớn, gây ra hiện tượng cắt dòng khúc sông cong, cả một làng của đoạn sông cong bị lũ tràn qua vào ban đêm, nhà cửa người dân và gia súc đều bị cuốn trôi. Bà Lan cho rằng: Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu có bản tin dự báo sớm và có biện pháp tổ chức phòng tránh tốt, di dân triệt để. Vì vậy rất cần một công cụ nhằm dự báo sớm diện và mức độ ngập lụt, hướng và vận tốc dòng chảy nhằm giảm thiệt hại tối đa cho người dân và của cải của các cư dân sống trên vùng ngập lũ. Với mục tiêu là xây dựng và triển khai các mô hình thủy lực và thủy văn để hỗ trợ cho các thể chế cấp tỉnh trong việc lập kế hoạch và quản lý lũ tại những vùng ngập thấp của tỉnh Quảng Nam, mô hình lũ sẽ cung cấp: một cơ chế quản lý lũ (như bản đồ khu vực lũ nguy hiểm và phân tích rủi ro thiên tai để củng cố quy hoạch sử dụng đất); một công cụ dự báo lũ và cảnh báo lũ (do đó nâng cao năng lực các cơ quan cấp tỉnh nhằm xác định, đánh giá, quản lý rủi ro thiên tai). Mô hình sẽ kết nối với các mô phỏng thủy văn về quá trình mưa - dòng chảy trên lưu vực với các mô phỏng thủy lực về luồng nước lũ dọc dòng chảy và qua vùng ngập. Bên cạnh các ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng mong muốn Dự án cần quan tâm toàn diện hơn mức thiệt hại tại vùng hạ lưu sông Vu Gia- Thu Bồn, nhất là trong các kịch bản mà Dự án nêu ra cần đánh giá những tác động từ các dự án thủy điện, khu vực thoát lũ từ các cửa sông chính trên địa bàn tỉnh và hiệu quả các mô hình phòng tránh lũ tại các địa phương trong thời gian qua; tăng cường các nguồn kinh phí cho công tác PCLB và dự báo bão lũ tại Quảng Nam... Đình Tăng
Up top