Hiệu quả, Uy tín, Chất lượng
Efficiency, Reputation, and Quality
EnglishFrenchGermanVietnamese

Ổn định kinh tế vĩ mô – không để lạm phát quay lại

Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Tại phiên trả lời chất vấn, nhiều vấn đề như giải pháp trước mắt, lâu dài giúp DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn ở các dự án thủy điện… đã được Thủ tướng làm rõ. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đồng bộ. Chính phủ coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, bất động sản, nhất là nhà ở là một loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Do quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên thị trường nhà ở phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở. Trong bối cảnh phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khoá thắt chặt, tổng cầu giảm, làm thị trường bất động sản bị đóng băng, kéo theo tồn kho lớn về vật liệu xây dựng. Thủ tướng khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo thực hiện các 4 giải pháp. Đó là mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên... Rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Cuối cùng là, tăng cường quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược về nhà ở đã ban hành, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản. Nghiên cứu xây dựng các định chế tài chính mới để hỗ trợ thị trường như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản... Hoàn thiện các chính sách thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích sử dụng tiết kiệm đất. Đồng bộ thực hiện các giải pháp cứu nền kinh tế Các đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu câu hỏi với Thủ tướng về những giải pháp cơ bản, cả trước mắt và lâu dài giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì phát triển; những giải pháp mang tính quyết định, đột phá để tái cấu trúc nền kinh tế. Trả lời ý kiến đại biểu, Thủ tướng cho rằng việc hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn "không chỉ là lợi ích của doanh nghiệp mà còn là lợi ích của nền kinh tế”. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều cơ chế chính sách, giải pháp để thực hiện, đến nay đã mang lại những kết quả nhất định, tuy nhiên thực tế là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Nhóm giải pháp quan trọng nhất mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là đảm bảo, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là phải kiềm chế lạm phát, không để lạm phát quay trở lại. “Đây là giải pháp trước mắt và lâu dài để giúp đỡ doanh nghiệp. Lạm phát cao, lãi suất cao thì tỉ giá biến động, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm, chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên, từ đó gây ra rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó mà duy trì và phát triển sản xuất”. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu cần duy trì tăng trưởng hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ tập trung chỉ đạo để từng bước bảo đảm cân đối hợp lý các cán cân thanh toán, bao gồm cán cân xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể. Cụ thể, sẽ có những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn liền với thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả các khâu đột phá. Nhóm giải pháp thứ ba là giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Nhóm giải pháp cuối cùng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra là “Chính phủ đã đang thực hiện, nhưng cần thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn” là đẩy mạnh cải cách hành chính, bao gồm cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế thị trường đầy đủ, minh bạch, thuận lợi. Thủ tướng cũng cho rằng, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, cần thực hiện đồng bộ, đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Cùng với Chính phủ, Thủ tướng mong từng doanh nghiệp, từng lãnh đạo doanh nghiệp phải tự đổi mới mình, cơ cấu lại phương án sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng chính nội lực. “Có như thế, mới có thể cùng vượt qua khó khăn, thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trường hợp lý, thực hiện được kế hoạch phát triển 5 (2011 – 2015) năm mà Đảng, Quốc hội đã thông qua”, Thủ tướng nhấn mạnh. Người dân yên tâm về Thủy điện Sông Tranh 2 Trả lời câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết về Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2), Thủ tướng cho biết: Tại kỳ họp này, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường của Quốc hội cũng đã giám sát đối với công trình TĐST và đã có báo cáo gửi ĐBQH. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã có giải trình về những chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo Thủ tướng, các chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài đều khẳng định, Thủy điện Sông Tranh là an toàn. Nhưng để chắc chắn hơn, đảm bảo an toàn cho dân thì trước mắt chưa tích nước trong mùa lũ này. Thủ tướng cũng đã giao cho Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và các Bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực để theo dõi tất cả diễn biến của động đất, kịp thời tính toán phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cùng với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế (Nga, Nhật Bản, Ấn Độ) cũng được thuê, có mặt tại hiện trường để theo dõi động đất kích thích, liên quan tới sự an toàn của đập. Chính phủ cũng yêu cầu công bố công khai, thường xuyên, đầy đủ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách ứng phó khi có động đất kích thích. “Hiện nay chúng tôi cũng đang chi trả đền bù đối người dân có nhà bị nứt, hư hại do ảnh hưởng của động đất kích thích. Còn chính sách bổ sung như như đền bù độc hại… chúng tôi giao đơn vị chức năng nghiên cứu thêm cho phù hợp. Giao Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chủ trì cùng với các Bộ KHCN, Công Thương…tiếp tục hội thảo để tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia với tinh thần có trách nhiệm, để cùng nhau làm sao công trình này vừa đáp ứng phát điện đóng góp vào điện năng đất nước nhưng yêu cầu hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn cho người dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Thủ tướng cũng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo: Yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước xem có phù hợp không. Đối với những dự án trong quy hoạch nhưng không đảm bảo các yêu cầu đặt ra sẽ loại khỏi quy hoạch. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các dự án xây dựng mới bắt đầu từ khâu lâp, thẩm định dự án. Thủ tướng lấy ví dụ về Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là dự án dự kiến mang lại nguồn điện năng lớn đang ở trong quá trình thẩm định. Nhưng sau này, khi Bộ TN&MT hoàn thiện việc thẩm định ĐTM nếu thấy không đảm bảo các yêu cầu đặt ra đối với một dự án thủy điện, tác động xấu đến môi trường thì sẽ cho dừng lại. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các dự án thủy điện hiện có, có phương án xử lý. Các vấn đề được đưa ra rà soát là, hồ đập có an toàn không, việc tái định cư có được tốt hơn chỗ cũ không (nếu không cần đề xuất cơ chế đặc thù), chủ đầu tư có trồng rừng như cam kết không? Đặc biệt, Chính phủ cũng chỉ đạo, từng hồ thủy điện phải có quy trình vận hành hồ, trong trường hợp một dòng sông có nhiều hồ thủy điện thì cần phải lập quy trình vận hành liên hồ chứa để bảo đảm được tiêu chí đề ra là cắt lũ, chậm lũ góp phần chống lũ, đáp ứng điều tiết nước cho sản xuất, cho đời sống nhân dân và cải thiện môi trường. Thúy Hằng http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=428&CateID=3&ID=122772&Code=9FRF122772
Up top